Khi nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, sự nghiệp phát triển kinh tế còn ở những giai đoạn đầu, thì việc thu hút vốn có thể phải được chú ý hơn, nhưng sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc của mọi nước chỉ có thể được bảo đảm nếu yếu tố công nghệ được quan tâm ngay từ đầu.
Có nhiều cách hiểu về công nghệ. Cách hiểu đơn giản nhất chỉ kể đến các dạng vật thể (như máy móc và thiết bị, công cụ sản xuất, vật liệu, sản phẩm hoàn chỉnh) hoặc có thêm các quy trình, quy phạm kỹ thuật kèm theo. Cách hiểu phổ biến hơn, được chấp nhận rộng rãi ở nhiều nước công nghiệp phát triển, cho rằng công nghệ gồm hai phần: máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất (phần cứng) và kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm (phần mềm), trong đó phần mềm có vai trò quan trọng hơn.
Các công trình đầu tư trong nước từ trước tới nay, cũng như các công trình có đầu tư của nước ngoài trong hai năm vừa qua chưa thể hiện được sự chú ý đầy đủ về công nghệ. Trong số 63 giấy phép đầu tư đã được cấp tính đến tháng 7/1989, có đến 54 trường hợp (chiếm 83%) dự định đưa máy móc, thiết bị từ nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đó chỉ là những thiết bị văn phòng, thiết bị sửa chữa, phụ tùng máy đo, máy vi tính, dụng cụ cân, chỉnh, v.v..
Tỷ lệ các công trình đầu tư có dây chuyền công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị toàn bộ không cao. Điều đáng lưu ý là trong các hồ sơ xin giấy phép đầu tư, các yếu tố công nghệ nhập khẩu được nêu một cách rất sơ sài. Chỉ trong một vài hợp đồng ghi rõ có máy móc thiết bị gì, có dây chuyền công nghệ nào, có chi phí cho việc cung cấp kiến thức chuyên môn, bí quyết kỹ thuật, hoặc dịch vụ tư vấn hay không. Qua phân tích các hợp đồng đầu tư, thấy rõ công nghệ được đưa vào chủ yếu là dưới dạng phần cứng.
Phần mềm của công nghệ dưới các dạng kiến thức, thông tin và tổ chức quản lý ít được chuyển giao. Mà chỉ có việc nắm được phần mềm đó của công nghệ thì toàn bộ khối lượng máy móc, thiết bị nhập khẩu mới có thể hòa nhập nền kinh tế nước ta, làm cho chúng thích hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội của ta, và dần dần nâng cao năng lực tự tạo ra những công nghệ riêng cho đất nước. Nếu không làm được điều này, thì chẳng những việc nhập vốn đầu tư và công nghệ trước mắt sẽ không có hiệu quả cao, mà ta sẽ còn mãi mãi phụ thuộc vào nước ngoài.
Để giải quyết vấn đề này, một mặt bản thân các cơ sở Việt Nam nhận đầu tư cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn và chiến lược dài hạn để tìm kiếm những công nghệ cần thiết. Mặt khác, Nhà nước phải có những biện pháp hữu hiệu để điều chỉnh, kể từ việc sớm đưa ra chính sách công nghệ quốc gia, ban hành các hình thức khuyến khích cho việc nhập được những công nghệ mũi nhọn, cho đến các chế tài pháp luật và quản lý cần thiết.
Trước mắt, việc xem xét, thẩm định về mặt công nghệ trước khi cấp giấy phép đầu tư phải được làm tốt hơn. Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và cơ quan thường trực hiện tại (Vụ Quản lý đầu tư, Bộ Kinh tế đối ngoại) có trách nhiệm làm đầu mối “một cửa” tổ chức xem xét và phê chuẩn các đơn xin đầu tư, nhưng không có và sẽ không có đủ trình độ để xem xét mọi khía cạnh, trong đó có kỹ thuật và công nghệ.
Vì thế, cơ quan này phải tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn như Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và các bộ, ngành. Trong trường hợp cần thiết, có thể còn cần tham khảo cả các cơ quan tư vấn độc lập để có thêm ý kiến khách quan trước khi ra quyết định cuối cùng.
NGUYỄN THANH HÀ
-----------------
Báo Nhân Dân, số 12878, ngày 29/11/1989.