Trong chủ nghĩa xã hội, không những còn tồn tại mà còn cần đẩy mạnh sản xuất hàng hóa thì mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học và sản xuất phải được thể hiện chủ yếu bằng mối quan hệ hàng hóa-tiền tệ và sản phẩm khoa học phải trở thành loại hàng hóa đặc biệt.
Đã là hàng hóa thì sản phẩm khoa học phải có hai thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị. Cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp làm mất đi hai thuộc tính đó của sản phẩm khoa học. Với nguồn kinh phí nghiên cứu được bao cấp theo chế độ “thu đủ, chi đủ”, cơ quan nghiên cứu cũng như người làm khoa học không cần nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra và cũng không cần quan tâm nhiều đến kết quả nghiên cứu có được áp dụng hay không bởi vì nếu có được áp dụng cũng không đem lại quyền lợi vật chất đáng kể cho tác giả đề tài. Tình hình đó làm cho khoa học tách rời với sản xuất và đời sống.
Cơ chế quản lý mới bước đầu tạo ra những tiền đề và điều kiện để sản phẩm khoa học trở thành hàng hóa.
Do yêu cầu phát triển sản xuất theo hướng coi trọng năng suất, chất lượng và hiệu quả, các cơ sở sản xuất phải tìm đến khoa học và các cơ quan khoa học được phép trực tiếp ký hợp đồng kinh tế với các địa phương và cơ sở sản xuất để thực hiện những đề tài nghiên cứu hoặc triển khai kỹ thuật tiến bộ theo giá thỏa thuận.
Thông qua cơ chế hợp đồng, sản phẩm khoa học trở thành hàng hóa và bước đầu được trả giá theo nguyên tắc trao đổi ngang giá, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho cơ quan khoa học và người làm khoa học.
Nếu như trước đây, những cán bộ khoa học, kỹ thuật chỉ được hưởng lương theo chức vụ hay cấp bậc thì ngày nay còn có nguồn thu nhập thêm từ kết quả nghiên cứu được áp dụng vào sản xuất. Và cũng qua đấy, phát huy tốt hơn vai trò động lực của khoa học, kỹ thuật đối với đời sống xã hội.
Song nếu chỉ thấy sản phẩm khoa học là loại hàng hóa thông thường như nhiều loại hàng hóa khác và hoạt động khoa học cũng như các dạng hoạt động sản xuất-kinh doanh khác thì dễ hướng hoạt động của các viện, các trung tâm nghiên cứu đi theo con đường thực dụng.
Trên thực tế, đã có một số cơ quan khoa học “biến tướng” thành những nơi sản xuất các mặt hàng có thể tiêu xài được ngay như kem que, rượu, xà phòng giặt, đất đèn, dép xốp, thuốc ghẻ, v.v.. Nhiều thiết bị nghiên cứu khoa học trở thành thiết bị sản xuất; nhiều giáo sư, phó tiến sĩ, kỹ sư xao lãng nhiệm vụ nghiên cứu mà chuyển đi làm dịch vụ khoa học kỹ thuật hoặc tham gia trực tiếp sản xuất một số mặt hàng nào đó để có thu nhập cao hơn công việc nghiên cứu, nhất là trong lúc đời sống đang có nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình hình nói trên, cần thấy sản phẩm khoa học là hàng hóa nhưng đó là loại hàng hóa đặc biệt, thường chỉ là những sản phẩm “đơn chiếc” chứ không phải là sản phẩm hàng loạt, và có dung lượng chất xám cao, chứa nhiều giá trị lao động sống hơn lao động vật hóa, v.v. để từ đó trả giá cho đúng với công lao của người làm khoa học.
Cũng vì là loại hàng hóa đặc biệt, sản phẩm khoa học nhiều khi không thể hiện trực tiếp giá trị sử dụng trong xã hội, và khó xác định chính xác giá trị. Vì thế, để trả giá cho những công trình nghiên cứu khoa học không tính được trực tiếp hiệu quả kinh tế, người ta phải thừa nhận cách tính giá theo chi phí dự tính của công trình và khoán gọn một khoản lợi nhuận quy ước (nhiều nước tiên tiến đang áp dụng cách tính này).
Thông thường đối với những công trình có tầm quan trọng quốc gia nhằm giải quyết những mục tiêu ưu tiên và có tính liên ngành thì cần phải “trả giá” cao hơn những đề tài nghiên cứu triển khai ứng dụng kỹ thuật tiến bộ hoặc làm dịch vụ khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu trước mắt và có tính cục bộ của những cơ sở sản xuất.
Nhưng hiện nay đang có tình hình ngược lại: làm những đề tài cấp Nhà nước hoặc đề tài cấp bộ thì có thu nhập rất thấp, còn làm những đề tài cho các cơ sở sản xuất thì có thu nhập cao. Điều đó cho thấy sự tồn tại những cơ chế “trả giá” khác nhau: làm đề tài Nhà nước do kinh phí bao cấp của Nhà nước (thường cấp không đủ, không kịp thời và ít được cân đối vật tư), còn làm đề tài ký hợp đồng với cơ sở sản xuất thì theo cơ chế giá thỏa thuận.
Vì vậy, muốn điều tiết hoạt động của các nhà khoa học hướng vào những mục tiêu ưu tiên của Nhà nước cần tập trung lực lượng nghiên cứu thì ngoài biện pháp hành chính còn cần thực hiện những đòn bẩy kinh tế, trước hết là trả giá đúng cho những công trình khoa học được nhìn dưới giác độ như là một loại hàng hóa đặc biệt và khi cần thiết thì tổ chức đấu thầu đề tài để xác định giá trị, tránh mọi sự tùy tiện, chủ quan trong việc định giá trị đối với những công trình khoa học và tránh sự bất công trong việc phân phối thu nhập đối với người làm khoa học. Cũng như bất kỳ một lĩnh vực lao động nào khác, người làm khoa học cần được trả công đúng theo kết quả lao động của mình.
KHÁNH DƯƠNG
----------
Báo Nhân Dân, số 12328, ngày 13/4/1988.