Từ trước đến nay, chúng ta thường dùng biện pháp hợp đồng lao động với những người tạm tuyển chưa nằm trong biên chế nhà nước. Hợp đồng này thường là ngắn hạn một vài năm hay mùa vụ một vài tháng.

Theo dõi các hợp đồng lao động qua nhiều năm, nhiều ngành nghề sản xuất khác nhau, ta thấy năng suất lao động của những người làm hợp đồng cao hơn hẳn năng suất lao động của những người cùng công việc trong biên chế nhà nước. Năng suất cao, thu nhập cao, chi phí cho bảo hiểm lao động ít hơn. Cái gì đã làm cho năng suất lao động của những người hợp đồng cao hơn những người lao động trong biên chế, mặc dù điều kiện lao động như nhau - thậm chí còn kém hơn?

Phải chăng chúng ta đã gắn trách nhiệm cũng như sự hưởng thụ của họ một cách trực tiếp với sản phẩm lao động họ làm ra mà không bị biến dạng qua một lăng kính nào? Nếu đó là một phương pháp quản lý mới mang tính hạch toán cao thì chúng ta có thể chuyển toàn bộ cán bộ, công nhân viên trong biên chế hiện nay sang chế độ hợp đồng lao động đi liền với một chính sách thích hợp.

Trước hết, ta lấy một đơn vị hạch toán kinh tế (thí dụ như xí nghiệp, nhà máy, công trường...) làm hợp đồng kinh tế cơ bản trong đó giám đốc nhà máy, xí nghiệp ký hợp đồng kinh tế với đơn vị chủ quản (công ty, sở, liên hiệp...). Như vậy, người giám đốc đó chịu trách nhiệm cá nhân của mình trong hợp đồng kinh tế với nhiệm vụ của đơn vị mình. Tất nhiên giám đốc đơn vị chủ quản cấp trên cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân của mình trong hợp đồng kinh tế với giám đốc cấp dưới.

Trong hợp đồng kinh tế, đơn vị chủ quản giao các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ, và sản phẩm phải nộp, đồng thời bảo đảm cho xí nghiệp, các yếu tố để hoàn thành các nhiệm vụ đó, như năng lực kỹ thuật, máy móc phụ tùng, nguyên nhiên liệu, vật liệu cơ bản, tiền mặt vốn sản xuất, lương công nhân, lương thực, thực phẩm và các khoản bảo hiểm xã hội cho người sản xuất và người ăn theo. Còn giám đốc xí nghiệp phải giao nộp lên cấp trên sản phẩm và các khoản nộp ngân sách đúng thời gian, chất lượng, số lượng, v.v.. Như vậy trong hợp đồng kinh tế này chúng ta đã tiến thêm một bước trong quản lý kinh tế mang một nội dung tư duy mới bao gồm:

1- Thay chỉ tiêu pháp lệnh mà cấp trên vẫn thường giao cho cấp dưới bằng một hợp đồng kinh tế mang tính chất hạch toán và pháp lý cao trong đó người giám đốc cấp dưới-trên phải chịu trách nhiệm cá nhân của mình trước tập thể và pháp luật. Trong hợp đồng kinh tế cũng nên quy định rõ nếu hai bên vi phạm hợp đồng kinh tế thì phạt như thế nào và hoàn thành thì sẽ được thưởng như thế nào.

2- Sau khi ký hợp đồng kinh tế, giám đốc xí nghiệp có một quyền hạn rộng rãi để nhằm hoàn thành kế hoạch đã ghi trong hợp đồng kinh tế, như quyền lên kế hoạch sản xuất, tổ chức, định biên chế, sắp xếp cán bộ, tìm nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, v.v..

Trên đây là hợp đồng kinh tế mẹ, từ hợp đồng kinh tế này người giám đốc ký với tất cả cán bộ, công nhân dưới quyền (từ phó giám đốc đến công nhân) các hợp đồng lao động với các khoản mục tương tự như hợp đồng kinh tế như giám đốc đã ký với cấp trên. Nếu cán bộ dưới quyền là trưởng phòng, ban, phân xưởng, tổ, v.v. thì người đó cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân của mình trước nhiệm vụ của bộ phận mình phụ trách.

Hợp đồng lao động với cán bộ, công nhân nên ký hằng năm, nhiệm kỳ, kế hoạch hoặc mùa vụ. Nếu sau một hai lần, người công nhân (hoặc cấp dưới) vi phạm hợp đồng lao động thì giám đốc có quyền buộc thôi việc.

Hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động có thể áp dụng với tất cả các cơ quan hành chính sự nghiệp với tất cả mọi người. Bởi vì tất cả mọi cơ quan, mọi cá nhân đều có nhiệm vụ cụ thể. Nếu là cơ quan hành chính sự nghiệp thì khoán quỹ lương còn cơ quan hạch toán kinh tế thì khoán sản phẩm, thí dụ phòng hành chính quản trị của công ty A có 10 người (hiện tại) nhưng trong hợp đồng kinh tế khoán quỹ lương cho phòng này 30.000 đồng lương tháng, 105kg gạo tháng, v.v. thì bắt buộc phòng này phải giảm biên chế (tự nguyện) để bảo đảm một mức thu nhập hợp lý.

Qua hợp đồng lao động chúng ta gỡ được một vấn đề mà hiện nay đang lấn cấn và đang cộm lên như một vấn đề thời sự, đó là phân phối theo lao động. Chúng ta đều biết quy luật phân phối theo lao động là ai làm nhiều hưởng nhiều, ai làm ít hưởng ít, ai không làm không hưởng. Trong hợp đồng lao động, số lương tiền lương, lương thực, nhà ở, bảo hiểm xã hội, v.v. cho người lao động được xác định bởi ngày công, số lượng và chất lượng sản phẩm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ chứ không phụ thuộc vào người đó có hay không có, nhiều hay ít người ăn theo, không phụ thuộc vào địa vị, mức độ đút lót hay tiêu cực.

NGUYỄN HUY HIỆP

(Đoàn 200HT:4A458 Nghệ Tĩnh)

-------------

Báo Nhân Dân, số 12321, ngày 6/4/1988.

Tin liên quan

Thúc đẩy phong trào "Nói và Làm" trong giai đoạn mới

Thúc đẩy phong trào "Nói và Làm" trong giai đoạn mới

Không chỉ có giá trị trong những ngày đầu tiên của sự nghiệp Đổi mới, “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh còn mang sức sống thời đại, góp phần định hướng và động viên cán bộ, đảng viên, quân dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, cũng như trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Khai trương Trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay”

Khai trương Trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay”

Chiều 24/4, Báo Nhân Dân chính thức khai trương Trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay” tại địa chỉ http://nguyenvanlinh.nhandan.vn. Trang thông tin tiếp tục hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số của Báo Nhân Dân, kết hợp thông tin, dữ liệu chính thống với công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, nhằm số hóa những tư liệu đặc biệt quý giá về xây dựng Đảng.
Bài 31

Bài 31

Đã lâu rồi, dư luận nhân dân, cán bộ cả nước bất bình về việc làm và bán hàng giả, về việc buôn lậu thuốc lá và nhiều mặt hàng xa xỉ ngoại quốc gây bệnh chảy máu vàng và ngoại tệ; làm cho nhiều cơ sở sản xuất bị đình đốn, công nhân thất nghiệp; Nhà nước thất thu thuế.
Bài 30

Bài 30

Ba chương trình sản xuất (lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu) đang trên đà phát triển. Do đó, đời sống nhân dân ta đã từng bước ra khỏi khó khăn.