Mấy năm gần đây, Nhà nước thiếu vốn cho nên đường sá, xe cộ xuống cấp nhanh chóng. Hiện tượng tiêu cực ngày càng phát triển. Bây giờ, nói chung ai cũng ngại đi xa. Nhưng nếu bước chân ra khỏi nhà là gặp ngay những cảnh ngang trái: tàu xe chậm giờ có khi đến một, hai ngày; tai nạn giao thông ngày càng nhiều; cảnh ùn tắc hàng hóa, khách; sân ga, xe lửa, ôtô bẩn thỉu. Sân ga, xe lửa là nơi phóng uế bừa bãi, nơi ngự trị của kẻ gian làm ăn phi pháp, nơi nhân viên đường sắt “mặt lạnh như tiền” không thèm trả lời người đợi tàu lê la, nhếch nhác. Ô-tô, xe lửa là tài sản của toàn dân mà ngày nay gần như đã biến thành phương tiện cho lái xe làm ăn bất chính, lèn người hơn nêm cối để lấy tiền tùy ý.
Một chuyến xe từ Nam Định đi Hà Nội, lái xe có thể lấy thêm đến hai ba chục người, kiếm hàng chục nghìn đồng như chơi. Ô-tô, xe lửa ngày nay cũng gần như là phương tiện cho dân phe phẩy, đi không cần xếp hàng mua vé mà được ưu tiên những chỗ ngồi tốt nhất.
Thử hỏi cảnh tàu xe đi lại như vậy kéo dài đến bao giờ? Con đường xe lửa Bắc-Nam là động mạch chủ của cơ thể nước ta. Thế nhưng muốn nâng cấp, hiện đại hóa nó, phải tốn kém rất lớn. Lấy vốn đâu? Mà cứ vá víu như hiện nay thì giao thông vận tải thật sự đã cản trở sản xuất ghê gớm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu không về kịp cho xí nghiệp; hàng hóa, vải vóc, muối không đến tay người dân miền núi kịp thời; gạo không cung cấp kịp cho công nhân vùng mỏ... Giá gạo trong một nước mà nơi này đắt gấp ba, bốn lần nơi khác, để đến nỗi mọi người đều muốn bỏ sản xuất đổ xô đi buôn, kiếm chênh lệch giá.
Chúng tôi nghĩ rằng: Tình trạng kinh tế nước ta hiện nay chủ yếu là do sức sản xuất thấp, thiếu hàng hóa nghiêm trọng cho nên giá cả trở nên hỗn loạn. Giá cả nhảy vọt như mấy năm gần đây gây nên một tâm lý chung là: ai cũng lo tích trữ. Nông dân khá giả tích trữ thóc. Dân giàu ở thành phố tích trữ hàng, tích trữ vàng.
Vì vậy, để khắc phục tình trạng bế tắc đó, Nhà nước cần áp dụng chính sách kinh tế trọng cung, khai thông bế tắc. Đó cũng chính là chính sách kinh tế mở hướng về giao lưu hàng hóa, hướng về xuất khẩu. Một cái nút của nó, theo chúng tôi, là ở mặt trận giao thông vận tải. Nó phải là tiền đề để thúc đẩy sản xuất, lưu thông phân phối, mở mang vùng kinh tế mới, củng cố quốc phòng, giao lưu văn hóa... phát triển.
Nên chăng, Nhà nước ta cần giảm mạnh chế độ ưu đãi xe con, chuyển phần lớn sang xe taxi, để cho cán bộ các cấp cùng dân lo giải quyết cơ bản việc đi lại công cộng trong vòng một, hai năm tới.
Nên chăng, trong điều kiện vốn liếng có hạn, Nhà nước chỉ nên tập trung vốn vào việc xây dựng hạ tầng, phát triển cầu đường, vận tải đường sắt, hàng không, tàu biển, ôtô đường dài,... còn lại cần khuyến khích tư nhân, các tổ hợp kinh doanh vận tải đường ngắn. Cho phép các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài đấu thầu xây dựng đường sá, bến cảng, vận chuyển... đặc biệt là ở những vùng mới khai thác.
Nên chăng, Nhà nước cần phân cấp cho địa phương quản lý đường sá, trên cơ sở khuyến khích lưu thông, đánh thuế đường hợp lý để có kinh phí cho Trung ương và địa phương duy tu, bảo dưỡng đường cũ và xây dựng đường mới. Cần kiểm tra, xử phạt thật nghiêm các vụ vi phạm luật lệ giao thông vận tải như xe chở quá quy định, làm hư hỏng đường sá, phương tiện.
Chúng tôi nghĩ rằng: Nếu như giao thông vận tải nước ta được cải thiện một cách căn bản thì các vùng xa xôi không còn hẻo lánh nữa, là nơi có thể thu hút hàng triệu người đi làm giàu cho Tổ quốc. Họ sẽ không chịu sống bế tắc, dồn ứ lại, không có công ăn việc làm, quanh một vài thành phố xa hoa và tiêu cực như hiện nay.
NGUYỄN ĐỨC THANH
-------------
Báo Nhân Dân, số 12356, ngày 12/5/1988.