Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988.

Quan điểm về quan hệ kinh tế-xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.

Có thể cho đến nay, trong cơ cấu kinh tế của nước ta, mối quan hệ giữa kinh tế Trung ương và kinh tế địa phương còn nhiều chỗ cần phải bàn bạc và làm rõ thêm. Song khi nhìn vào đường lối “Vừa xây dựng kinh tế Trung ương, vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất”,
ai cũng thấy đó là đường lối nhằm tạo ra sức mạnh từ trên tỏa xuống, từ dưới vươn lên và sức mạnh bung ra tại chỗ, làm cho “địa phương giàu, cả nước mạnh và cả nước mạnh, địa phương giàu”.

Trong mối quan hệ kinh tế như trên, mỗi địa phương, trước hết là các tỉnh và thành phố phải vươn lên phụ trách toàn diện các mặt kinh tế, xã hội của địa phương, tìm mọi cách làm giàu trên lao động và tài nguyên của mình để nâng cao đời sống của nhân dân địa phương và phục vụ nhu cầu cả nước. Điều kiện tài nguyên và lao động của các địa phương khác nhau, khả năng lãnh đạo và quản lý của các địa phương cũng không giống nhau. Cho nên địa phương này có thể làm giàu (hiểu theo nghĩa là phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân) trước hoặc làm giàu hơn địa phương khác, đó là việc bình thường.

Nguyên tắc phân phối theo lao động không những áp dụng đối với từng người hay từng đơn vị kinh tế mà còn áp dụng đối với các địa phương. Không cào bằng mức sống giữa các địa phương mà địa phương nào làm giỏi hơn thì nhân dân ở địa phương đó được hưởng mức sống cao hơn, và ngược lại.

Quan hệ giữa Trung ương và địa phương là quan hệ nghĩa vụ hai chiều. Trung ương phải cung cấp những gì cho địa phương, giúp các địa phương làm giàu, cũng có nghĩa là để khai thác có hiệu quả khả năng tiềm tàng, và các địa phương phải cung ứng những gì cho Trung ương để làm cho cả nước mạnh.

Cơ chế kế hoạch hóa của Trung ương đối với địa phương là cơ chế “giao khoán”. Trên cơ sở làm tròn nghĩa vụ đối với Trung ương, các địa phương được sử dụng toàn bộ giá trị và sản phẩm làm ra và còn lại để mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân địa phương, trao đổi với các địa phương khác hoặc xuất khẩu.

Nhưng cần thấy rằng mỗi địa phương không thể tự mình làm giàu nếu không có quan hệ hợp tác với các địa phương khác cũng như không có sự hỗ trợ của Trung ương. Hơn nữa, chế độ ta là chế độ xã hội chủ nghĩa, không thể để xảy ra tình hình địa phương này làm giàu bằng cách bắt chẹt và làm nghèo địa phương khác; cũng không để kéo dài tình trạng phát triển bất đồng giữa các địa phương mà phải tìm cách làm cho miền núi mau tiến kịp miền xuôi, nông thôn nhích lại gần thành thị. Cho nên “địa phương giàu, cả nước mạnh” phải đi đôi với “cả nước mạnh, địa phương giàu”.

Các địa phương phải mở rộng liên doanh, liên kết, quan hệ hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật với nhau nhằm giúp nhau phát huy thế mạnh và khắc phục chỗ yếu của mình. Cần mở rộng quan hệ kinh tế giữa thành thị và nông thôn. Thành thị có nghĩa vụ giúp nông thôn trên các mặt trang bị kỹ thuật, chế biến nông sản, cung cấp hàng tiêu dùng và góp phần xây dựng nông thôn mới. Nông thôn có trách nhiệm hỗ trợ thành thị về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng công nghiệp.

Các địa phương đất ít người nhiều cần phối hợp với các địa phương đất nhiều người ít tổ chức tốt việc di dân và xây dựng vùng kinh tế mới nhằm góp phần phân bố lại lao động xã hội, khai thác tốt mọi tiềm năng của đất nước. Các tỉnh hậu phương phải hết lòng giúp đỡ nhân, tài, vật lực cho các tỉnh biên giới đang ngày đêm bảo vệ biên cương Tổ quốc. Địa phương nào cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm đóng góp vào sự giàu mạnh của cả nước.

Cần vận dụng đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong đổi mới quản lý kinh tế theo hướng tăng cường trách nhiệm và mở rộng quyền hạn cho các địa phương, phát huy một cách đầy đủ và tự do không những các đặc điểm của địa phương, mà cả những sáng kiến của địa phương, tính chủ động của địa phương, tính chất muôn màu muôn vẻ của các phương tiện và phương pháp để đạt đến mục đích chung.

Chúng ta không sợ mỗi địa phương trở thành một “vương quốc” mà sẽ làm cho các tỉnh, thành phố trở thành các địa phương giàu để cho cả nước mạnh và cả nước mạnh sẽ giúp cho các địa phương giàu.

TRƯỜNG SƠN

-----------

Báo Nhân Dân, số 12302, ngày 18/3/1988.

Tin liên quan

Khai trương Trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay”

Khai trương Trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay”

Chiều 24/4, Báo Nhân Dân chính thức khai trương Trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay” tại địa chỉ http://nguyenvanlinh.nhandan.vn. Trang thông tin tiếp tục hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số của Báo Nhân Dân, kết hợp thông tin, dữ liệu chính thống với công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, nhằm số hóa những tư liệu đặc biệt quý giá về xây dựng Đảng.
Bài 31

Bài 31

Đã lâu rồi, dư luận nhân dân, cán bộ cả nước bất bình về việc làm và bán hàng giả, về việc buôn lậu thuốc lá và nhiều mặt hàng xa xỉ ngoại quốc gây bệnh chảy máu vàng và ngoại tệ; làm cho nhiều cơ sở sản xuất bị đình đốn, công nhân thất nghiệp; Nhà nước thất thu thuế.
Bài 30

Bài 30

Ba chương trình sản xuất (lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu) đang trên đà phát triển. Do đó, đời sống nhân dân ta đã từng bước ra khỏi khó khăn.
Bài 29

Bài 29

Ở phố Hàng Mã, từ xưa có bán đủ mặt hàng giả, hàng mã làm bằng giấy, bằng tre, người ta mua về đem cúng lễ, rồi đốt đi cho người nhà đã chết ở âm phủ dùng.