Hiện nay trong ngành giáo dục đang có hàng vạn đơn xin thôi việc. Lý do: Cuộc sống nhà giáo quá chật vật, đồng lương ít ỏi, phương tiện làm việc thiếu thốn, sức khỏe giảm sút. Điều kiện học tập của con em chúng ta ở nhiều nơi rất tồi tệ. Trường lớp chật chội, dột nát. Bàn ghế xiêu vẹo. Thiếu bảng, thiếu phấn, thiếu giấy, thiếu mực. Năm, sáu học sinh dùng chung một bộ sách giáo khoa.

Trong khi đó, nhiều cơ quan sẵn sàng tung ra bạc triệu xây trụ sở, hội trường, nhập xe hơi sang cho cán bộ lãnh đạo. Nhiều cuộc liên hoan, hội họp phí tổn hàng chục vạn đồng. Những tập thể nắm trong tay các ngành nghề lắm phúc lợi, có thu nhập vượt nhiều lần công sức lao động thực tế, mỗi tháng, mỗi kỳ khen thưởng, chia chác cho nhau số tiền hơn cả năm làm việc của người thầy giáo.

Thực trạng này là một biểu hiện không lành mạnh của xã hội, đòi hỏi chúng ta phải lên tiếng.

Ai cũng hiểu rằng nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đời sống chung còn vất vả, Đảng và Nhà nước đã cố gắng nhiều nhưng chưa thể bảo đảm đầy đủ điều kiện, tiện nghi cho giáo dục. Tuy nhiên, nếu ở từng địa phương, nhân dân và chính quyền cùng quan tâm, sâu sát, cương quyết cắt giảm các khoản chi lãng phí, trợ cấp thêm cho các trường học thì tình hình sẽ đỡ căng thẳng hơn.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là hơn 12 triệu học sinh phổ thông và gần 50 vạn thầy, cô giáo trên cả nước ta bước vào năm học mới. Tôi xin nêu thêm vài ý trong những việc cần làm ngay ở các địa phương:

- Nên cử cán bộ xuống trực tiếp xem xét việc chuẩn bị vào năm học ở từng cơ sở, tổ chức, động viên các đơn vị kinh tế, các đoàn thể xã hội cùng các bậc phụ huynh và nhân dân giúp đỡ ngành giáo dục tu sửa gấp những trường, lớp, nhà tập thể giáo viên bị hư hỏng, bảo đảm đủ bàn ghế và các điều kiện cần thiết cho thầy và trò.

- Ngành giáo dục phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương cho in và phân phối sách giáo khoa, cung ứng tốt học phẩm cho các trường ngay từ đầu năm học.

- Nên có những việc làm cụ thể để chăm sóc các thầy, cô giáo, giữ cho đội ngũ này vững mạnh. Đề cao và đãi ngộ thỏa đáng những giáo viên giỏi, tận tụy với nghề nghiệp. Giúp đỡ thiết thực cho những gia đình giáo viên quá khó khăn về đời sống.

Ngoài ra, mong rằng các cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở sẽ đưa những việc như thế này vào chương trình thường xuyên của mình. Tránh tình trạng “khoán trắng” công tác giáo dục cho ngành giáo dục, hoặc một năm chỉ quan tâm đôi lần vào dịp khai trường, 20/11... Đây cũng là yêu cầu của Đảng, phải gắn các kế hoạch phát triển kinh tế với việc thực hiện các nhiệm vụ xã hội.

Năm học 1987-1988 là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, mọi người trông đợi năm học này sẽ đánh dấu nhiều đổi mới trong công tác giáo dục.

N.V.L.

--------
Báo Nhân Dân, số 12080,
ngày 7/8/1987.

Tin liên quan

Khai trương Trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay”

Khai trương Trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay”

Chiều 24/4, Báo Nhân Dân chính thức khai trương Trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay” tại địa chỉ http://nguyenvanlinh.nhandan.vn. Trang thông tin tiếp tục hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số của Báo Nhân Dân, kết hợp thông tin, dữ liệu chính thống với công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, nhằm số hóa những tư liệu đặc biệt quý giá về xây dựng Đảng.
Bài 31

Bài 31

Đã lâu rồi, dư luận nhân dân, cán bộ cả nước bất bình về việc làm và bán hàng giả, về việc buôn lậu thuốc lá và nhiều mặt hàng xa xỉ ngoại quốc gây bệnh chảy máu vàng và ngoại tệ; làm cho nhiều cơ sở sản xuất bị đình đốn, công nhân thất nghiệp; Nhà nước thất thu thuế.
Bài 30

Bài 30

Ba chương trình sản xuất (lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu) đang trên đà phát triển. Do đó, đời sống nhân dân ta đã từng bước ra khỏi khó khăn.
Bài 29

Bài 29

Ở phố Hàng Mã, từ xưa có bán đủ mặt hàng giả, hàng mã làm bằng giấy, bằng tre, người ta mua về đem cúng lễ, rồi đốt đi cho người nhà đã chết ở âm phủ dùng.