- Những bài tôi viết sẽ không được hưởng ứng, lúc đó mới thôi viết, thế là đánh trống bỏ dùi, đã vô ích lại mất tín nhiệm.
- Sợ tôi làm sao biết hết, biết thật đúng mọi việc, sẽ có sự đôi co phản tác dụng. Hoặc viết ít bài rồi hết đề tài, sẽ cũng là một thứ đánh trống bỏ dùi.
- Mới nói những việc nhỏ, ắt có sự không bằng lòng, cho rằng chỉ tắm từ vai xuống còn đầu thì chưa, hay không dám.
- Cũng có người có trách nhiệm đã chỉ trích: biết bao nhiêu việc cần làm, sao lại phải hăng hái chống tiêu cực như vậy? Sao không chuyên tâm nói tới những chuyện tích cực? Vài trăm tấn tỏi, mấy vị mang hộ chiếu ngoại giao đi buôn... có gì là ghê gớm. Phê và tự phê công khai chỉ làm rối lòng dân, làm cản trở công việc của cán bộ lãnh đạo... (có lẽ cũng nên xem xét kỹ động cơ và thái độ của cách đặt vấn đề theo kiểu này!).
Đành trái lời khuyên, tôi vẫn viết tiếp vì thấy cần quá.
May thay: Chỉ vài ngày sau, dư luận rộng rãi khắp cả nước hưởng ứng bằng nhiều cách đúng đắn, đáng mừng, đáng khâm phục:
- Nhiều bộ trưởng, thủ trưởng các đơn vị cho điều tra ngay các vụ việc nói về ngành mình, xử lý nghiêm túc và cho đăng công khai trên báo, với tinh thần trách nhiệm và tôn trọng công luận cao.
- Nhiều địa phương từ bắc chí nam, cả cấp ủy cùng bàn, khuyến khích quần chúng góp phần với báo, đài, cho đi kiểm tra kịp thời và đã phanh phui ra ánh sáng nhiều vụ tiêu cực quá to, quá đau lòng, đụng đến cả một hệ thống cán bộ, cơ quan, có khi có cả ô dù lớn che chở. Cấp ủy, ủy ban và các đoàn thể đã xử lý nghiêm cả về mặt đảng và đem truy tố trước pháp luật.
- Báo, đài đã nhiệt tình góp thêm những tiếng nói lành mạnh, nhắc nhở mọi người: cần đưa nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy.
- Nhiều đồng chí về hưu, nhiều cán bộ, nhân dân hoặc viết thư thẳng cho N.V.L., hoặc viết cho báo đài, vừa hưởng ứng, vừa góp nhiều ý kiến hay đáng chú ý để tiếp làm; vừa phân vân chỉ sợ bệnh tiêu cực đang nặng, đang rộng, mới khơi phong trào ít lâu rồi bỏ sang việc khác, để nguội đi, tắt đi thì căn bệnh xã hội này lại tái phát, có khi còn nặng hơn.
Nhiều thư kêu gọi sự quyết tâm làm việc này thật kiên trì, cho xã hội ta đã tốt đẹp, phải tốt đẹp hơn, dân mới tin Đảng, Đảng mới càng hiểu dân, tin dân.
Nhiều thư khẳng định: chống tiêu cực cũng là dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết khác của Đảng, nhằm đưa nước nhà khỏi cảnh khó khăn, đi đến ổn định tình hình mọi mặt, làm cho dân bớt khổ, ngày càng bước lên hạnh phúc, như Di chúc Bác Hồ đã dặn.
N.V.L. tôi rất đồng ý, rất cảm kích trước sự khuyến khích trên và sẽ làm theo.
Chúng ta chống tiêu cực, chống thói quan liêu, vô trách nhiệm hoàn toàn không phải để nâng cao hay hạ thấp uy tín của vài cá nhân nào đó (như cách hiểu lắt léo của một số người) mà vì một mục tiêu tốt đẹp hơn nhiều: lập lại trật tự, công bằng xã hội, xóa bớt những vật cản nặng nề trên con đường phát triển kinh tế của đất nước. Đó cũng là yêu cầu khẩn thiết của toàn Đảng, toàn dân.
Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã chỉ rõ: phải dùng sức mạnh của pháp chế xã hội chủ nghĩa kết hợp với sức mạnh của dư luận quần chúng để đấu tranh chống tiêu cực. Mong rằng chúng ta sẽ làm theo đúng tinh thần của nghị quyết, và cũng là tinh thần câu châm ngôn cổ truyền của dân tộc: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
N.V.L. sẽ vẫn tiếp tục viết, và mong muốn cán bộ từ Trung ương xuống đến cơ sở, mong đồng bào trong và ngoài Đảng tới đây sẽ tham gia ngày càng đông đảo cùng viết, cùng phanh phui những việc mà N.V.L. tôi không tài nào biết hết và biết chi tiết được. Viết thôi không đủ, các cấp lãnh đạo phải xử lý nghiêm minh và công bằng mới được. Ai xấu quá thì phải trừng trị. Ai có lỡ lầm nhỏ nhưng thực lòng cải hối thì giáo dục lại thành người tốt. Khuyên nhau làm việc tốt, tôn trọng kỷ luật, pháp luật.
Những việc này phải chung tay mà làm một cách kiên trì mới thành công được. Phải vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng. Dạy bảo, phê bình nhau với động cơ trong sáng, tấm lòng chân thành và ý thức trách nhiệm cao.
Báo chí từ Trung ương đến địa phương, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình tiếp tục là diễn đàn chung của Đảng và của dân, là công cụ để thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, là phương tiện thông tin tới mọi người dân thường, chẳng những ở thành thị mà phải đưa sâu vào nông thôn, những nơi xa xôi hẻo lánh, trong đồng bào Kinh cũng như đồng bào các dân tộc.
Ánh sáng trong lành phải được lan rộng, đẩy lùi và xua tan bóng tối.
N.V.L.
-----------
Báo Nhân Dân, số 12052, ngày 10/7/1987.