Xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, công bằng

Thi hành kỷ luật nghiêm minh đối với người phạm khuyết điểm, thiếu sót không chỉ để giáo dục chính người đó, mà quan trọng hơn là nhằm ngăn đe, giáo dục đối với số đông những người chung quanh. Từ trước tới nay, bất cứ ở đâu, lúc nào, quần chúng cũng mong muốn công và tội cần rõ ràng, được đối xử công bằng, nghiêm minh.

Ở những nơi vụ, việc tiêu cực đã “hai năm rõ mười” mà cấp trên chậm xử lý hoặc xử lý không nghiêm thì ở đấy, chẳng những quần chúng xì xào, bất bình, mà tiêu cực lại càng hoành hành. Người phạm khuyết điểm càng ở cương vị cao hoặc là người có “ô dù” to, càng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Có nên phê phán đây là sự tò mò vô ích, là quần chúng kém giác ngộ, muốn “lôi” những kẻ có chức, có quyền mà phạm tội để trị cho hả? Chắc chắn không phải như vậy.

Ý nghĩa xã hội rộng lớn của vấn đề là ở chỗ, qua việc xử lý nghiêm hay không nghiêm, quần chúng có thể đánh giá được sự thắng thế của xu hướng tích cực, đổi mới đến đâu với sức chống đỡ của các thế lực bảo thủ, trì trệ. Quần chúng thường nhìn vào đó để mà hào hứng, tin yêu, đóng góp công sức của mình vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, nếu là vụ, việc được xử lý nghiêm, và họ bất mãn, chán nản hoặc thờ ơ quay lưng lại với thời cuộc nếu việc xử lý chỉ là “vuốt ve dư luận”, kẻ có khuyết điểm bị “đánh nhẹ” càng dương dương tự đắc.

Vì sao đối với một số vụ việc lại khó xử lý, vì sao lúng túng? Đây là cội nguồn gây nên nhiều thắc mắc. Đó là chỗ công tư lẫn lộn, là pháp luật với uy quyền đối chọi với nhau. Có cảm giác rõ rệt là xử người “đầu trọc” dễ hơn xử người “có tóc”! Nhiều khi khó xử không phải vì tội trạng không rõ ràng mà vì biết bao dây mơ rễ má quanh con người đó. Tình trạng xử lý kỷ luật nhiều vụ theo kiểu để nguyên cương vị và điều đi nơi khác hoặc “đá hất” lên cương vị cao hơn là một hiện tượng hết sức tệ hại.

Mấy năm nay, Đảng ta đã xử lý nghiêm khắc nhiều vụ bê bối. Trong không khí đổi mới và dân chủ, cấp trên đã thể hiện sự nghiêm khắc và tôn trọng pháp luật. Việc công bố trên công luận một số vụ kỷ luật cán bộ cấp cao, kể cả Ủy viên Trung ương, bí thư tỉnh ủy, và một số cán bộ tương đương cấp thứ trưởng, vụ trưởng đã làm nhân dân thêm lòng tin rằng lẽ phải và công bằng nhất định thắng.

Cách mạng là một quá trình phát triển đầy khó khăn, gian khổ. Đó là cả quá trình tự chọn lọc để tiếp nhận các tinh hoa và đào thải những cặn bã. Có cán bộ ngày càng vững vàng, càng tốt lên, thì cũng có kẻ ngày càng trượt dài xuống vũng bùn. Đó cũng là điều bình thường trong sự phát triển của một chính đảng cầm quyền.

Để việc xử lý kỷ luật công bằng và nghiêm minh, góp phần củng cố lòng tin của quần chúng, chúng tôi kiến nghị:

- Từ nay, xin chấm dứt việc xử lý kỷ luật đối với người có khuyết điểm bằng cách chuyển đi nơi khác hoặc “đá hất” lên.

- Ai có sai lầm và tội lỗi, dù ở cấp nào cũng phải được xử theo kỷ cương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không nên và không thể có “vùng cấm” đối với một số người có khuyết điểm hoặc bản thân con cháu họ.

- Công khai việc thi hành kỷ luật đối với bất cứ ai, từ Trung ương đến cơ sở, việc phổ biến nội bộ các trường hợp xử lý cán bộ có khuyết điểm không có tác dụng bảo vệ uy tín cán bộ như ta tưởng, mà chỉ gây thêm sự bàn tán, thắc mắc, có khi còn gây hại lớn hơn nhiều.

QUANG THÔNG

---------

Báo Nhân Dân, số 12421, ngày 16/7/1988.

Tin liên quan

Chiến khu Đ - Căn cứ địa cách mạng kiên cường của chiến trường miền Nam

Chiến khu Đ - Căn cứ địa cách mạng kiên cường của chiến trường miền Nam

Chiến khu Đ là căn cứ địa cách mạng kiên cường ở miền Đông Nam Bộ trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại của nhân dân ta. Nhân dịp tỉnh Đồng Nai triển khai đợt sinh hoạt truyền thống kỷ niệm 51 năm ra đời Chiến khu Đ (1946-1997) và 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1698-1998), đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc đó là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã có bài viết về vùng đất lịch sử này.
Một bài học lớn

Một bài học lớn

Sau chín năm đánh Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt, chẳng những đế quốc Pháp mệt mỏi mà chính nhân dân ta bộ đội ta cũng mệt mỏi. Vì vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng, ta ký Hiệp định Geneva.