Xây dựng đường lối đổi mới từ thực tiễn TP Hồ Chí Minh

LTS - “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, một trong những người xây dựng đường lối đổi mới từ thực tiễn TP Hồ Chí Minh” là tham luận của Thạc sĩ Huỳnh Văn Chúm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP Hồ Chí Minh” do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2015). Chúng tôi xin trích giới thiệu tham luận này.
Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh: MAI HẢI)
Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh: MAI HẢI)

(…) Ngược dòng lịch sử, từ năm 1939 đến 1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhiều lần làm bí thư, là người đứng đầu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh.

Sau ngày đất nước thống nhất, với cương vị Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Đảng bộ thành phố kiên định mục tiêu chiến lược, sáng tạo trong sách lược và phương pháp tổ chức thực hiện, đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên mọi nguồn lực, năng lực sáng tạo, đi đầu xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trong quản lý kinh tế của thành phố; kiên trì đấu tranh, nắm bắt thực tiễn sinh động, dựa vào dân, tôn trọng lợi ích nhân dân, lấy sự phát triển của sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống của nhân dân là tiêu chuẩn kiểm nghiệm sự đúng, sai của chính sách; từ đó làm sáng tỏ dần con đường đi và cách làm mới, tư duy mới, đóng góp tích cực và có hiệu quả cao vào sự hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

(…) Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (tháng 9 năm 1979) đã đánh dấu một bước ngoặt trong quản lý kinh tế đối với thành phố.

Năm 1979, TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số mô hình tháo gỡ trong một số cơ sở sản xuất công nghiệp như Công ty bột giặt miền nam, Xí nghiệp thuốc lá, Dược phẩm 2-9, Nhà máy bia Sài Gòn, Xí nghiệp dược thú y, Xí nghiệp dệt Thành Công, Phong Phú, Phước Long, Thắng Lợi, Dệt đay 13, Xí nghiệp cơ khí Caric, Silico, Vinappro, Sinco, v.v…

Điển hình là Công ty bột giặt miền nam đã tổ chức lại sản xuất, liên kết với nhiều tỉnh Tây Nam Bộ và miền trung khai thác nguyên liệu, trao đổi thành phẩm, xây dựng phương án sản xuất ngoài kế hoạch pháp lệnh, nâng cao thu nhập cho công nhân bằng áp dụng lương khoán, lương sản phẩm, vận dụng các chế độ thưởng linh hoạt hơn, giải quyết thêm cho công nhân nhiều mặt hàng ngoài mười mặt hàng cung cấp theo định lượng, giải quyết bữa ăn trưa…

(…) Từ khảo sát và thực tiễn sinh động của thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ rõ: Thực tế đã chứng minh rằng trong cuộc đấu tranh giằng co giữa cái mới và cái cũ, giữa tiến bộ và lạc hậu, những cái phù hợp quy luật, có sức sống thường xuất hiện ở cơ sở, ở những nơi khó khăn, phức tạp nhất.

Đồng chí đã đề nghị Thành ủy cho phép nhân rộng điển hình, đồng thời mở rộng cơ chế tự chủ ra nhiều xí nghiệp, nhiều loại hình sở hữu khác nhau, cũng như phát triển ra ngoài phạm vi thành phố bằng việc liên hợp, liên kết với các xí nghiệp của tỉnh bạn và các xí nghiệp của Trung ương, bước đầu tính đến việc mở rộng quan hệ kinh tế, làm ăn với nước ngoài. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, thành phố đã mắc một số sai lầm trong chỉ đạo thực hiện, cho nên sau khi nguồn dự trữ cạn kiệt, tình hình lại rơi vào khó khăn ngày càng gay gắt.

(…) Mặc dù gặp những khó khăn gay gắt, nhưng với ý chí, quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tổ chức nhiều cuộc họp các đồng chí lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.

Sau bao nhiêu lần họp "rộng" rồi họp "hẹp", cuối cùng, lãnh đạo thành phố thống nhất rằng, phải bằng mọi cách thông tin, báo cáo đầy đủ, tỉ mỉ với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng về hướng đổi mới đã xuất hiện từ thực tiễn tại TP Hồ Chí Minh để Bộ Chính trị hiểu và nắm rõ những gì đang xảy ra tại thành phố hoàn toàn không như một số thông tin hoặc phản ánh sai lệch trước đó. "Hoàn cảnh lúc đó rất thúc bách, nếu kéo dài thêm, những nhân tố mới nảy sinh sẽ nhanh chóng bị thui chột…”.

Tháng 7/1983, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố như Võ Thành Công, Nguyễn Văn Nam, Lê Văn Quýnh,… và một số lãnh đạo cơ sở như Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm 2-9 Trực Tựu, Tổng Giám đốc Liên hiệp Dệt Bùi Văn Long, Giám đốc Xí nghiệp Dệt Phước Long Lê Thị Lý ,… đã lên TP Đà Lạt gặp và báo cáo trực tiếp với đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Chí Công về cách làm ăn đổi mới có hiệu quả của TP Hồ Chí Minh.

Sau thời gian lắng nghe báo cáo của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các cơ sở, đồng chí Trường Chinh đã yêu cầu thành phố tổ chức để đồng chí tới thăm hàng loạt các nhà máy, đơn vị “xé rào”. Đồng chí Trường Chinh đã đến tận các phân xưởng, tổ sản xuất, hỏi han rất kỹ lưỡng từng công nhân về ngày công lao động, cơ chế khoán sản phẩm, tiền lương, đời sống gia đình.

Sự kiện Đà Lạt và chuyến đi thực tế của đồng chí Trường Chinh tại TP Hồ Chí Minh chẳng những như một luồng gió mát xoa dịu nỗi ấm ức, bi quan của những đơn vị, những người “xé rào”, mà còn tạo tiền đề tối quan trọng cho công cuộc đổi mới của dân tộc và đã được Nghị quyết hóa trong Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Đánh giá về việc xây dựng đường lối đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh từ thực tiễn TP Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: Anh là một trong những người có công đầu đề ra và thực hiện một số chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trong quản lý kinh tế ở TP Hồ Chí Minh, nhưng lúc bấy giờ chưa được lãnh đạo nhất trí.

Cho đến khi trung ương cử anh Trường Chinh vào kiểm tra tình hình thực tiễn, trực tiếp nghe ý kiến một số giám đốc xí nghiệp, đi nghiên cứu một số cơ sở thấy tình hình đúng như thành phố báo cáo. Anh Trường Chinh kết luận cần phải đổi mới, dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Từ thực tiễn của TP Hồ Chí Minh và một số nơi khác, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã phát biểu ý kiến với Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội và sửa lại báo cáo chính trị trình ra Đại hội toàn quốc lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới. Ý kiến của anh Nguyễn Văn Linh đã được lãnh đạo chấp nhận.

Những tìm tòi thử nghiệm, những mô hình mới ở TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong cả nước đã góp phần quý báu giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế mới, mở ra công cuộc đổi mới - bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử cho cách mạng Việt Nam.

Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ tổng kết thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước; đồng chí xác định: Đổi mới là một cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để: đổi mới tư duy, đổi mới chính sách, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ… Người lãnh đạo mà bảo thủ, sai lầm, không chấp nhận đổi mới thực sự thì không thể lãnh đạo được…

(*) Đầu đề là của Báo Nhân Dân.

---------------

Báo Nhân Dân, 25/06/2015

Tin liên quan

Yên Mỹ phát huy sức mạnh nội sinh

Yên Mỹ phát huy sức mạnh nội sinh

Huyện Yên Mỹ nằm ở phía bắc tỉnh Hưng Yên là vùng đất cổ giao lưu của ba vùng văn hóa: Xứ Đông, xứ Bắc và Sơn Nam. Nơi đây sản sinh nhiều danh nhân nổi tiếng của đất nước như Trạng nguyên Đỗ Thế Diên, Tể tướng Phạm Công Trứ, Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Trung tướng Nguyễn Bình - Danh nhân quân sự Việt Nam. Đặc biệt là nhà chính trị Nguyễn Văn Linh. Lịch sử ghi nhận Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.
Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Dưới mái hiên nhà, ông Đặng Đình Được, người đã có tròn hai thập niên trông coi Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh say sưa kể về chuyến thăm quê đầu tiên của người con kiệt xuất sinh ra từ mảnh đất Giai Phạm (Yên Mỹ, Hưng Yên). Ông Được bảo: Qua sáu lần về thăm Hưng Yên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại cho nhân dân những bài học giản dị mà sâu sắc về đạo đức người đảng viên, người làm cách mạng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Kiên định thực tiễn để tiến lên

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Kiên định thực tiễn để tiến lên

Là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ Đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh có công lao to lớn khi cùng tập thể lãnh đạo của Đảng thiết kế và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới, xuất phát từ tổng kết thực tiễn sinh động trên nhiều lĩnh vực. Trong suốt 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn cho thấy hình ảnh của một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, luôn trăn trở tìm tòi trước những diễn biến mới của thực tiễn với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” để tìm phương hướng tiến lên.
Nguyễn Văn Linh - Một nhà lãnh đạo đổi mới kiên định

Nguyễn Văn Linh - Một nhà lãnh đạo đổi mới kiên định

Không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi đồng chí Nguyễn Văn Linh được gắn liền với hai chữ Đổi mới. Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ VI, mà Đại hội lần thứ VI là Đại hội đề ra đường lối đổi mới và mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Đó là một cái lý. Song cái lý lại được chứng minh sâu sắc hơn nhiều, có tính thuyết phục hơn nhiều bởi hoạt động thực tiễn của đồng chí.