Hoàn thành nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (tháng 4/1975-4/2015) và nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915-2015), tượng đài Nguyễn Văn Linh tại thành phố Hưng Yên là công trình văn hóa-lịch sử có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng.
Các đại biểu dâng hoa tại tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Các đại biểu dâng hoa tại tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sinh ngày 1/7/1915 tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhằm khẳng định, tôn vinh những công lao to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên, năm 2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cho chủ trương về việc xây dựng tượng đài Nguyễn Văn Linh tại thành phố Hưng Yên. Đây cũng là công trình văn hóa, chính trị trọng điểm của tỉnh.

Số lượng 27 phương án mẫu tham dự đã thể hiện nguồn cảm hứng lớn của giới nghệ sĩ tạo hình với một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng ta vào một thời kỳ đáng nhớ của lịch sử cách mạng nước nhà. Qua sự chọn lựa kỹ càng của Hội đồng Nghệ thuật điêu khắc quốc gia với những chuyên gia tên tuổi về mỹ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn hóa, phương án của nhà điêu khắc Phạm Sinh (Phạm Xuân Sinh) đã được chọn dựng. Công trình được khởi công vào dịp 19/5/2012, riêng tượng đài do tác giả Phạm Sinh phác thảo thiết kế và trực tiếp thi công cùng các nghệ nhân tài hoa làng đá Ninh Bình.

Sau hơn 500 ngày đêm thực hiện, qua năm lần chỉnh sửa góp ý của Hội đồng Nghệ thuật, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hưng Yên, nhất là của gia đình Tổng Bí thư, vừa qua công trình đã hoàn thành, được đánh giá tốt cả về chất lượng nghệ thuật và xây dựng.

Nằm trong khuôn viên Quảng trường Nguyễn Văn Linh, với tổng diện tích hai héc-ta, trên nền sân rộng lát đá gra-nít, tượng được tạc bằng đá xanh có chiều cao 8,1m, bệ tượng cao 4,5m, mặt hướng về chính nam. Phía trước là không gian thông thoáng, sau lưng có đồi cỏ, chung quanh là hệ thống cây xanh.

Bức tượng gợi liên tưởng hình ảnh Tổng Bí thư khi đồng chí về thăm Hưng Yên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, trò chuyện cùng bà con quê nhà.

Với phong cách hiện thực, tinh giản đương đại, tác giả Phạm Sinh đã khắc họa hình ảnh đồng chí Nguyễn Văn Linh ở thế đứng, toát lên vẻ kiên định, trí tuệ, nhưng dung dị, gần gũi.

Điểm đặc biệt của bức tượng là ở hai cánh tay, một buông xuôi thoải mái, bàn tay nắm nhẹ; một khẽ nhấc, bàn tay mở vừa phải trong tư thế rất linh hoạt, chủ động, cương quyết. Khuôn mặt với ánh mắt nhìn thẳng, bình tĩnh, song dường như ẩn chứa những nỗi niềm, suy tư về đất nước, về thời cuộc trong một thời kỳ lịch sử nhiều biến động...

Cuối tháng 4 vừa qua, tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình tượng đài, cùng với sự kiện Phố Hiến được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Tham dự lễ khánh thành, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định những cống hiến lớn lao của đồng chí Nguyễn Văn Linh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên tuổi ông gắn liền sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc Đổi mới đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, từng bước hòa nhập vào sự tiến bộ chung của nhân loại.

Tượng đài Nguyễn Văn Linh hoàn thành tạo nên cảnh quan, không gian kiến trúc sinh động, hài hòa với quần thể di tích lịch sử Phố Hiến. Nơi đây còn là địa điểm rộng đẹp, trang trọng để tổ chức các hoạt động tập thể vào những dịp lễ lớn của địa phương; cũng là địa chỉ tham quan, vui chơi, học tập đầy ý nghĩa của người dân Hưng Yên và cả nước.

NGUYỄN PHƯƠNG LIÊN

---------------

Báo Nhân Dân, 18/06/2015

Tin liên quan

Yên Mỹ phát huy sức mạnh nội sinh

Yên Mỹ phát huy sức mạnh nội sinh

Huyện Yên Mỹ nằm ở phía bắc tỉnh Hưng Yên là vùng đất cổ giao lưu của ba vùng văn hóa: Xứ Đông, xứ Bắc và Sơn Nam. Nơi đây sản sinh nhiều danh nhân nổi tiếng của đất nước như Trạng nguyên Đỗ Thế Diên, Tể tướng Phạm Công Trứ, Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Trung tướng Nguyễn Bình - Danh nhân quân sự Việt Nam. Đặc biệt là nhà chính trị Nguyễn Văn Linh. Lịch sử ghi nhận Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.
Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Dưới mái hiên nhà, ông Đặng Đình Được, người đã có tròn hai thập niên trông coi Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh say sưa kể về chuyến thăm quê đầu tiên của người con kiệt xuất sinh ra từ mảnh đất Giai Phạm (Yên Mỹ, Hưng Yên). Ông Được bảo: Qua sáu lần về thăm Hưng Yên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại cho nhân dân những bài học giản dị mà sâu sắc về đạo đức người đảng viên, người làm cách mạng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Kiên định thực tiễn để tiến lên

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Kiên định thực tiễn để tiến lên

Là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ Đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh có công lao to lớn khi cùng tập thể lãnh đạo của Đảng thiết kế và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới, xuất phát từ tổng kết thực tiễn sinh động trên nhiều lĩnh vực. Trong suốt 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn cho thấy hình ảnh của một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, luôn trăn trở tìm tòi trước những diễn biến mới của thực tiễn với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” để tìm phương hướng tiến lên.
Nguyễn Văn Linh - Một nhà lãnh đạo đổi mới kiên định

Nguyễn Văn Linh - Một nhà lãnh đạo đổi mới kiên định

Không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi đồng chí Nguyễn Văn Linh được gắn liền với hai chữ Đổi mới. Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ VI, mà Đại hội lần thứ VI là Đại hội đề ra đường lối đổi mới và mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Đó là một cái lý. Song cái lý lại được chứng minh sâu sắc hơn nhiều, có tính thuyết phục hơn nhiều bởi hoạt động thực tiễn của đồng chí.