Thuế của Nhà nước đâu phải "của chùa"

Tình thực, ít có ai yên tâm khi những cái bất bình thường lại cứ sờ sờ ra trong cuộc sống ngày nay của chúng ta và nó lại ngang nhiên trở thành sự “bình thường”. Một trong những cái sự thường ở khá nhiều nơi trong nông thôn của ta hiện nay là sự không chịu nộp đủ thuế, không chịu thanh toán nợ với Nhà nước.

Khi mất mùa thì xin khất nợ, hoặc xin miễn giảm. Nhưng có nơi dù rằng đã liên tiếp trúng mùa, nhiều nhà nông có thóc để đầy bồ, đầy cót, xây nhà, sắm xe, nhưng vẫn cứ không chịu nộp thuế, trả nợ Nhà nước.

Ở một huyện nọ của đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng làm lúa năng suất cao, nhưng đến nay cứ đổ đồng một người dân của huyện này còn nợ Nhà nước một tạ thóc, con số này còn thấp so với một số huyện khác trong vùng. Có tỉnh nợ Nhà nước đến nay tính ra cả nghìn tấn phân bón các loại, hàng trăm nghìn tấn thóc thuế.

Nợ thì ở cả hai phía, Trung ương nợ địa phương và ngược lại, nhưng sau khi thanh toán thì ai nợ ai đều cần sòng phẳng.

Vừa qua, trong một chuyến đi công tác, tôi tạt vào một hộ để thăm hỏi tình hình, là bởi ở tỉnh, ở huyện này đang lại lập ban chỉ đạo như thường niên đi vận động thu thuế, đặc biệt là thu nợ đối với các “trọng hộ” (gọi là trọng hộ, nghĩa là hộ nợ Nhà nước như chúa chổm).

Khi đến nơi ngó trước nhìn sau, thú thật tôi phải giật mình vì thấy “trọng nợ” này có cả một tòa nhà ngói mới xây. Bà chủ nhà đon đả ra tiếp tôi, còn khoe gia đình bà vừa sắm thêm cả tivi màu chạy ắc quy.

Tôi hỏi: “Vì sao hộ của bà còn nợ thuế Nhà nước?”.

Bà cười, rồi trả lời: “Của Nhà nước là “của chùa” chú à! Ở đây ông bí thơ, ông phó chủ tịch còn chưa chịu trả nợ Nhà nước thì dân sao lại sốt sắng trả nợ, nạp thuế cho Nhà nước! Cứ ráng “nín” chờ xem sao đã!”.

Thì ra là như vậy, cán bộ, đảng viên chưa đi trước, thì làng nước chưa theo sau. Thiết nghĩ cứ để mãi tình trạng trên thì dù Nhà nước có đến của núi cũng hết, huống chi lại nghèo như hiện nay. Cái sự “nín” trả nợ và nộp thuế của nông dân theo kiểu đó càng làm cho nền tài chính của đất nước thêm khó khăn.

Nhà nước đã điều chỉnh và ban hành các sắc thuế tương đối hợp lý. Người dân cần có trách nhiệm thi hành đầy đủ, trong đó, trước hết là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu.

TRẦN QUỐC KHẢI

-------

Báo Nhân Dân, số 12723, ngày 2/6/1989.

Tin liên quan

Chiến khu Đ - Căn cứ địa cách mạng kiên cường của chiến trường miền Nam

Chiến khu Đ - Căn cứ địa cách mạng kiên cường của chiến trường miền Nam

Chiến khu Đ là căn cứ địa cách mạng kiên cường ở miền Đông Nam Bộ trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại của nhân dân ta. Nhân dịp tỉnh Đồng Nai triển khai đợt sinh hoạt truyền thống kỷ niệm 51 năm ra đời Chiến khu Đ (1946-1997) và 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1698-1998), đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc đó là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã có bài viết về vùng đất lịch sử này.
Một bài học lớn

Một bài học lớn

Sau chín năm đánh Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt, chẳng những đế quốc Pháp mệt mỏi mà chính nhân dân ta bộ đội ta cũng mệt mỏi. Vì vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng, ta ký Hiệp định Geneva.