Hơn một năm đã qua, kể từ ngày 25/5/1987, trên báo Nhân Dân bắt đầu xuất hiện chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của đồng chí N.V.L. Cho đến hôm nay, 21/6, đồng chí N.V.L. đã viết 23 bài “Những việc cần làm ngay”, được giới thiệu rộng rãi trên các báo, đài, nhằm góp phần - như tác giả nhấn mạnh - “lập lại trật tự, công bằng xã hội, xóa bớt những vật cản nặng nề trên con đường phát triển của đất nước”.
Với tinh thần “lấy dân làm gốc”, tác giả “Những việc cần làm ngay” yêu cầu các ngành, các cấp, nhìn thẳng vào sự thật, thực hiện công khai, dân chủ, tập trung giải quyết những vấn đề do công luận nêu lên một cách nhanh chóng, chính xác, triệt để, đồng thời cũng lưu ý trách nhiệm chính trị và xã hội rất lớn của các cơ quan truyền thông đại chúng, của người viết báo “phải có tấm lòng cương trực: yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét bọn làm xấu, làm sai, làm ác để lên án. Vai trò của nhà báo là đem ánh sáng trong lành tỏa rộng ra, đẩy lùi, thu hẹp và xóa dần bóng tối”.
Hầu như các ngành, các tỉnh, thành phố, bắt đầu là Tỉnh ủy Lạng Sơn, đã có chỉ thị và hướng dẫn cụ thể về hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” sát hợp với đơn vị và địa phương mình. Nhiều báo ở Trung ương và địa phương mở thêm các mục mới, phấn đấu làm cho “mỗi tờ báo là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân”. Hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” trở thành nội dung quan trọng trong chương trình hành động hằng ngày của các địa phương. Trước yêu cầu đổi mới hiện nay, lĩnh vực nào, ngành nào cũng có những việc cần làm ngay.
Vai trò quần chúng và sức mạnh của công luận
Trong thực tế, ít có chuyên mục báo nào lại được đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang nhanh chóng hưởng ứng như “Những việc cần làm ngay”. Mỗi ngày báo Nhân Dân nhận được hàng trăm lá thư và bài của bạn đọc trong nước yêu cầu các cơ quan pháp luật, báo đài làm rõ những vụ việc do quần chúng phát hiện. Ở nhiều nơi, cán bộ về hưu còn tổ chức thảo luận những vấn đề mới phát sinh và tham gia kiểm tra quá trình thực hiện “Những việc cần làm ngay” ở cơ sở.
Đặc biệt khi Bộ Chính trị có Nghị quyết về làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, thì “Những việc cần làm ngay” trở thành một yêu cầu bức thiết và càng gắn bó chặt chẽ với cuộc vận động lớn này. Rõ ràng, chuyên mục này góp phần làm cho bạn đọc quan hệ mật thiết hơn với cơ quan thông tin đại chúng. Từ đó, càng thấy rõ vai trò quần chúng và sức mạnh của công luận liên quan chặt chẽ và tác động lẫn nhau.
Thực hiện Thông tư số 16 của Ban Bí thư và tiếp tục hưởng ứng “Những việc cần làm ngay”, các ngành, các cấp đã kiểm tra các vụ việc tồn đọng từ trước hoặc mới phát hiện. Ban Bí thư cử các đoàn đi kiểm tra và có kết luận các vụ tiêu cực ở các tỉnh Thanh Hóa, Minh Hải, Tây Ninh, Cửu Long và Tổng cục Cao su. Nhiều nơi tập trung chỉ đạo các đoàn kiểm tra giúp cấp ủy xử lý các vụ tiêu cực lớn mà đông đảo quần chúng quan tâm và đã đưa ra trước công luận. Bộ Quốc phòng tập trung xem xét, kiên quyết thi hành kỷ luật một số cán bộ lãnh đạo ở Tổng cục Hàng không dân dụng.
Bộ Nội vụ hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” bằng cách mở các lớp huấn luyện có thực tập theo đúng hướng đổi mới tư duy, đổi mới công tác tổ chức cán bộ và đổi mới phong cách làm việc. Lãnh đạo của Bộ xử lý kiên quyết gần 200 cán bộ, chiến sĩ công an vi phạm kỷ luật, trong đó có cả tập thể lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đường sông. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm tổ chức thanh tra, phúc tra để xử lý một số vụ tiêu cực ở các công ty, tổng công ty.
Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng đã xử lý vụ tiêu cực ở Sở Hải quan, Công ty Cung ứng tàu biển và đang xem xét truy tố trước pháp luật một số cán bộ lãnh đạo Công ty Liên hợp xuất, nhập khẩu của tỉnh. Tỉnh Minh Hải quyết định khai trừ ra khỏi Đảng và khởi tố hàng chục cán bộ lãnh đạo các ngành của tỉnh lợi dụng chức quyền, cố ý vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc về quản lý kinh tế. Từ khi có phong trào hưởng ứng “Những việc cần làm ngay”, hơn 200 vụ việc tồn đọng lâu ngày đã được phanh phui ra trước công luận, đồng thời số đơn khiếu tố của công dân gửi vượt cấp lên cơ quan Trung ương cũng tăng lên rất nhiều.
Hầu hết các vụ tiêu cực đã được xử lý đều do quần chúng phát hiện và bắt đầu từ việc nêu công khai trước công luận. Hơn 200 tin, bài phê phán hiện tượng tiêu cực thuộc các lĩnh vực đăng trên báo Nhân Dân từ một năm nay, thì 85% do bạn đọc phát hiện đầu tiên. Có vụ quần chúng kêu ca oán trách lâu ngày, mà lãnh đạo vẫn giữ thái độ “im lặng đáng sợ”, mãi đến khi báo nêu ra công khai mới được xem xét.
Nhiều vụ tiêu cực đã được nêu công khai trên các báo Lao động, Đại đoàn kết, Tiền Phong, Tuần tin tức, Tuần Thanh niên, Tuổi trẻ, Phụ nữ, Sài Gòn giải phóng, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam... Nét nổi bật ở đây là quần chúng tin tưởng không chỉ vì thấy pháp luật nghiêm minh đối với kẻ có tội, mà có nhiều vụ, báo chí đã góp phần minh oan cho người vô tội, kiên quyết lên án hành vi trù dập người phê bình và yêu cầu xét xử cả những người lợi dụng dân chủ để vu cáo, xuyên tạc sự thật.
Những trở ngại do đâu?
Làm việc với các tỉnh Thái Bình, Hà Nam Ninh[1], Hà Sơn Bình[2], Đồng Nai, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ, Tổng cục Chính trị, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, v.v. chúng tôi thấy rõ đã có sự thống nhất đánh giá - tuy mức độ còn khác nhau - về hiệu quả đấu tranh chống tiêu cực qua hưởng ứng “Những việc cần làm ngay”.
Các đồng chí lãnh đạo trong khối nội chính khẳng định công luận có vai trò rất quan trọng và mở đường thúc đẩy các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, kết luận chính xác các vụ tiêu cực để kịp thời xử lý theo pháp luật.
Nhiều đồng chí khác nhắc đến nghị quyết của Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh “cần đưa công khai lên báo đài những vụ cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ cấp cao mắc sai lầm nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức”.
Thực tiễn sau hơn một năm thực hiện “Những việc cần làm ngay” càng chứng minh phương hướng đó là đúng đắn. Vấn đề đặt ra là cần kiểm điểm rút kinh nghiệm để tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tiêu cực trên báo đài gắn liền với việc thực hiện nghị quyết về cuộc vận động lớn và Chỉ thị 15 của Ban Bí thư.
Song, hiện nay nhiều người vẫn băn khoăn, lo ngại vì thấy còn lực cản từ nhiều phía.
Sự thật là trong khi tiến hành đấu tranh chống tiêu cực, cũng có những vụ, việc mà báo, đài thiếu kiểm tra, chưa cân nhắc kỹ về tính hiệu quả trước khi công bố; có sự việc đưa ra không đúng hoặc bình luận thiếu căn cứ. Khắc phục thiếu sót đó, bảo đảm sự chính xác trong phê bình, đó là điều thực sự nghiêm túc.
Song cũng cần nêu lên rằng bên cạnh nhiều cấp ủy đảng và lãnh đạo ngành ủng hộ và có sự phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan báo chí, cũng còn một số không ít cấp ủy và lãnh đạo một số ngành chưa thật sự ủng hộ báo chí là công cụ đấu tranh chống tiêu cực. Có nơi lãnh đạo còn ngần ngại, thậm chí cản trở việc đưa công khai vụ việc tiêu cực ra trước công luận.
Ở một số địa phương, khi báo đài phê bình những sai phạm của cấp dưới thì cấp ủy nhận xét là “có tính chiến đấu”, “dũng cảm đấu tranh bảo vệ chân lý”; nhưng, đến khi báo, đài phản ánh những hiện tượng tiêu cực của lãnh đạo thì cấp ủy lại yêu cầu tổng biên tập phải xem lại “động cơ phê bình” hoặc “không được đưa công khai vụ, việc tiêu cực liên quan đến lãnh đạo vì làm như vậy là cản trở bước tiến của phong trào quần chúng”.
Một số đồng chí tổng biên tập báo, đài địa phương phải chuyển công tác, về hưu trước tuổi, hoặc bị cách chức vì đã hăng hái đấu tranh chống tiêu cực, “dám” phê bình lãnh đạo của tỉnh.
Rất nhiều bạn đọc trực tiếp đến cơ quan báo đảng, hoặc viết thư phản ánh tâm trạng lo lắng về một trong những trở ngại cho công cuộc đổi mới hiện nay là hành động lợi dụng quyền lực để hạn chế báo chí phê bình đấu tranh, chống tiêu cực.
Bạn đọc đặt câu hỏi: Vì sao có nhiều vụ nêu trên báo, đài mà đến nay vẫn chưa xem xét và xử lý nghiêm minh?
Qua tìm hiểu 32 vụ tiêu cực được đưa ra trước công luận thuộc các tỉnh Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Đồng Nai, Hậu Giang, Nghĩa Bình[3], Hà Bắc[4], Hải Hưng[5], Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, thì thấy rõ có ba nguyên nhân chủ yếu làm cho việc xem xét, kết luận và xử lý chậm trễ, kéo dài.
Một là, một số vụ tham ô, làm ăn phi pháp do cấp dưới thực hiện, nhưng cấp trên trực tiếp cũng được phân phối lại bằng hình thức “quà biếu”, do đó “há miệng mắc quai”. Đó là những vụ việc liên quan đến “lợi ích” của cấp trên.
Hai là, có vụ việc tiêu cực do cán bộ cấp dưới gây nên, mà trước đây những người này từng được đánh giá là “cán bộ đầy triển vọng”, là “điển hình tiên tiến”. Trường hợp này liên quan đến “trách nhiệm” của cấp trên vì đã có “công” tham gia “xây dựng” nên cán bộ phong trào đó.
Ba là, bị “nhiễu” thông tin, vì quan liêu, xa thực tế, hoặc cơ quan tham mưu báo cáo thiếu trung thực. Trường hợp này thường xảy ra ở những đơn vị nội bộ mất đoàn kết, trong khi đó lãnh đạo cấp trên lại thiếu công tâm, đứng về một phía hoặc cơ quan chức năng (nhất là thanh tra) làm việc độc đoán, áp đặt và không sát tình hình thực tế. Nhìn chung, những vụ tiêu cực tồn đọng lâu ngày thường có liên quan đến lãnh đạo cấp trên. Muốn khắc phục trở ngại này, cần chống thái độ nể nang, hữu khuynh “ô dù”, nhất là phát huy tác dụng nêu gương của cán bộ lãnh đạo.
Mấy vấn đề đặt ra
“Những việc cần làm ngay” như đồng chí N.V.L. nêu rõ: “Không phải trên mặt trận chống tiêu cực, mà cả trên mọi lĩnh vực khác của các hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu Đảng và Nhà nước đề ra”. Qua thực hiện “Những việc cần làm ngay”, thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh rút ra bài học kinh nghiệm là phê bình tiêu cực phải đi đôi với biểu dương nhân tố tích cực, tổng kết kinh nghiệm các hình mẫu mới về đổi mới cơ chế quản lý ở cơ sở.
Tỉnh ủy Thái Bình, đảng bộ các quân khu, quân chủng và một số đơn vị của lực lượng Công an nhân dân coi việc nêu gương “Người tốt, việc tốt” cũng là nội dung của những việc cần làm ngay. Rất tiếc là, những việc cần làm ngay theo hướng này còn quá ít. Một hiện tượng phổ biến có tính khuynh hướng là nhiều địa phương, nhiều ngành mới chú trọng phê phán khuyết điểm, chỉ bàn biện pháp đấu tranh chống tiêu cực, mà chưa quan tâm phát huy nhân tố tích cực trong quá trình thực hiện “Những việc cần làm ngay”.
“Những việc cần làm ngay” là sự thống nhất giữa nói và làm, mà trước hết là hành động vì thực chất của vấn đề là “cần làm ngay”. Một thực trạng đáng quan tâm là, còn có khoảng cách giữa nói và làm, nói một đường làm một nẻo. Không gì dễ mất lòng tin của quần chúng khi nói mà không làm, hoặc nói nhiều làm ít, nhất là người đó lại là cán bộ phụ trách. Trong chỉ đạo thực hiện “Những việc cần làm ngay”, không ít cấp lãnh đạo còn nặng về kêu gọi chung chung, hô hào suông, mà không chỉ ra việc gì cần làm ngay, làm như thế nào và bao giờ phải xong.
Một số cấp hưởng ứng nhanh chóng sẵn sàng nhận khuyết điểm nhỏ, để tránh nói đến những sai lầm lớn và những vấn đề phức tạp mà quần chúng đang đòi hỏi phải đưa ra trước công luận. Một số vụ khiếu tố của công dân, do báo, đài nêu lên, coi như đã giải quyết xong, nhưng do việc xử lý thiếu công minh, không triệt để, làm cho quần chúng ngờ vực, bất bình. Khắc phục những mặt yếu kém và thiếu sót này cũng là “những việc cần làm ngay”.
LÊ HỒNG THÔNG
[1]. Tỉnh Hà Nam Ninh nay là ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (B.T).
[2]. Tỉnh Hà Sơn Bình nay là tỉnh Hòa Bình và một phần Hà Nội (B.T).
[3]. Tỉnh Nghĩa Bình nay là hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định (B.T).
[4]. Tỉnh Hà Bắc nay là hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang (B.T).
[5]. Tỉnh Hải Hưng nay là hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên (B.T).
-------
Báo Nhân Dân, số 12397, ngày 21/6/1988