Ảnh: TTXVN |
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước, đồng chí là người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt nam. Thời kỳ làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 1986 đến 1991, ông nổi tiếng với bút danh N.V.L của những bài báo trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân bàn về những việc cần phải chấn chỉnh trong xã hội.
Lúc bấy giờ, các phương tiện truyền thông, báo, đài… hầu như ngày nào cũng đề cập đến chuyên mục “Những việc cần làm ngay”. Đó là những bài viết, quan điểm cơ bản có ý nghĩa chiến lược, vừa quan tâm "những việc cần làm ngay" kết hợp chặt chẽ với "nói và làm" đã phản ánh sâu, rộng đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội, kinh tế, chính trị,… có tác động và ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi mới của đất nước ta.
Ý nghĩa về bài học sâu sắc từ bút danh nổi tiếng (N.V.L) của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cho chúng ta thấy tầm quan trọng giữa lời nói và việc làm của người cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước.
Dư luận bấy lâu nay đã đề cập nhiều về sự trung thực của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Họ thường có lời nói và việc làm không đi đôi với nhau, không trung thực trong việc kê khai tài sản, nguồn gốc tài sản, hay vấn đề tự kiểm điểm phê bình theo nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, về xây dựng Đảng. Đây chính là một trong những nguyên do làm suy giảm lòng tin nghiêm trọng của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên hiện nay.
Nhiều cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý thường xuyên tuyên truyền công tác phòng chống tham nhũng, quán triệt tinh thần phê bình và tự phê bình đến cán bộ cấp dưới như một khẩu hiệu thường trực. Tuy nhiên, những việc làm thực tế của những cán bộ, lãnh đạo đó lại chưa phản ánh đúng với những gì họ đã hô hào, đúng là “nói một đằng làm một nẻo”. Nói không đi đôi với làm chính là thiếu trung thực, là bệnh thành tích, bệnh giáo điều, thói háo danh, nói dối, khai man... nhằm động cơ vụ lợi, tham nhũng.
Không thiếu những câu chuyện đàm tiếu về các vị lãnh đạo ở cơ quan này, cơ quan khác: Nào là ông ấy, bà nọ nói vậy chứ không phải vậy, nói là chuyện của nói, còn việc làm thực tế của các vị ấy lại hoàn toàn khác xa với lời nói. Bằng cách này, cách kia, họ che đậy hết sức khôn khéo những việc làm của mình nhằm theo đuổi mục tiêu cá nhân, tận dụng tối đa những đặc quyền, đặc lợi do chính cái chức, cái quyền mà họ đảm nhiệm mang lại.
Cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý nói nhiều, làm ít, nói thì hay, làm thì dở, hoặc hứa nhiều nhưng “hứa rồi để đấy không làm” không phải là chuyện hiếm gặp trong xã hội ta. Người có lời nói không đi đôi với việc làm thường có hành vi dối trên lừa dưới, thậm chí sẽ đẩy việc dối trá tràn lan ở khắp nơi mà những cán bộ, đảng viên này công tác.
Ở đâu tồn tại những cán bộ, đảng viên nói một đằng làm một nẻo, ở đó sẽ có tình trạng mất đoàn kết, nghi kỵ và đề phòng lẫn nhau, thậm chí trên bảo dưới không nghe. Hệ lụy kéo theo là kết quả xấu, cấp dưới sẽ làm việc theo kiểu đối phó, dẫn đến nhiều công việc bị chậm trễ, đình trệ, chất lượng và hiệu quả công việc thấp, nguy hiểm hơn, đó là những cán bộ, đảng viên hàng ngày trực tiếp giải quyết những công việc, thủ tục hành chính, quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Nếu không khắc phục được tình trạng lời nói không đi đôi với việc làm của cán bộ, đảng viên hiện nay, tác hại là rất nghiêm trọng, nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành, quản lý của Nhà nước. Trong lúc này, cán bộ, đảng viên cần nói đi đôi với làm, không làm thì không nói, không hứa, khi đó nói quần chúng mới nghe, mới tin và làm theo.
KHẮC TRƯỜNG
---------------
Báo Nhân Dân, 25/06/2015