Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng

Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, nước ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng trên nhiều mặt. Đại hội VI của Đảng họp tháng 12/1986 xác định phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật; phải đổi mới tư duy, đổi mới phong cách, đổi mới tổ chức và cán bộ, đổi mới cả trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, ngoại giao, văn hóa, xã hội,...
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhận Huân chương Sao Vàng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhận Huân chương Sao Vàng.

Để làm được các việc nêu trên, Đại hội VI xác định phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đấu tranh chống tư tưởng và hành động sai trái, vi phạm nguyên tắc tổ chức và lãnh đạo của Đảng. Đổi mới đòi hỏi phải sáng tạo, nhưng trên cơ sở kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Không sáng tạo thì đổi mới không thành công, không kiên định thì sẽ thất bại về mục tiêu của cách mạng.

Trong tình hình và nhiệm vụ như thế, tại Đại hội VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đây là một trọng trách lớn, đồng thời cũng là sự tín nhiệm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giao cho đồng chí để cùng Ban Chấp hành Trung ương tổ chức thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Qua bốn năm, từ 1986 đến 1990, kết quả của công cuộc đổi mới đạt những thành tựu bước đầu rất quan trọng, giúp nền kinh tế nước ta thoát khỏi cơn thử thách hiểm nghèo. Năm 1988, từ đói giáp hạt phải nhập 45 vạn tấn gạo, chỉ một năm sau, chúng ta vươn lên đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ và xuất khẩu. Hai năm 1989 và 1990, mỗi năm xuất khẩu một triệu tấn gạo. Từ năm 1989 lạm phát được kiềm chế, giảm bớt một phần khó khăn về đời sống nhân dân. Chuyển biến về kinh tế góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ta.

Tuy thành tựu trên mới là bước đầu, đất nước chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, nhưng đó là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm sự ổn định chính trị trước những tác động phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước, chứng tỏ đường lối đổi mới là đúng đắn, ý Đảng và lòng dân là thống nhất.

Quán triệt tinh thần đổi mới toàn diện của Đại hội VI, trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, xác định rõ nhiệm vụ của lực lượng vũ trang trong thời kỳ này là thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhằm bảo đảm quân đội làm tốt cả nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Nghị quyết đã quyết định điều chỉnh chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chuyển quân đội từ trạng thái chiến tranh sang hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo tình thế mới để tập trung phát triển kinh tế; rút quân tình nguyện ở Lào và Campuchia về nước, giảm quân số và bước đầu chấn chỉnh quân thường trực và lực lượng tự vệ cho phù hợp với tình hình mới, góp phần giảm căng thẳng cho đất nước.

Trong tình hình lúc đó, chủ trương trên là rất đúng đắn, một quyết định vừa táo bạo vừa hợp lý, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của đất nước ta. Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương đó thì gặp không ít khó khăn về nhận thức tư tưởng, về chính sách cũng như những điều kiện về kinh phí, về vật chất, cơ sở... Một số đồng chí (kể cả cán bộ cao cấp của ta và bạn) tỏ thái độ lo ngại, cho là mất cảnh giác; một số đồng chí tỏ vẻ hoài nghi không thể thực hiện được, nhất là vấn đề giảm quân số.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Linh, tư duy mới về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng phải khắc phục cả hai khuynh hướng: tả và hữu, phải điều chỉnh nhiệm vụ chiến lược, xác định rõ mục tiêu trước mắt và lâu dài. Chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ vừa là cấp bách vừa là lâu dài, đồng thời phải chủ động chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các tình huống khác. Tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, đồng thời phải xây dựng quân đội nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, không chỉ về quân sự mà cả về chính trị, nhạy bén sắc sảo trong việc chống "diễn biến hòa bình" của kẻ địch. Hòa bình phát triển kinh tế nhưng phải kết hợp với củng cố quốc phòng, từng bước hiện đại hóa quân đội, không thể mất cảnh giác làm yếu quốc phòng.

Là Tổng Bí thư kiêm Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh không những quan tâm nghiên cứu chỉ đạo về đường lối chiến lược quân sự, quốc phòng mà còn rất quan tâm các biện pháp, nhằm tạo điều kiện thực hiện thắng lợi đường lối đó, nhất là các vấn đề về tư tưởng, vấn đề chính sách, cán bộ, tổ chức, kinh phí...

Đồng chí căn dặn, công tác chính trị phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, nắm vững mục tiêu trước mắt cũng như mục tiêu lâu dài. Kiên định mục tiêu chiến lược, nhưng phải nhạy bén linh hoạt đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho mục tiêu trước mắt. Then chốt của công tác chính trị là giáo dục cán bộ, chiến sĩ kiên định đường lối đổi mới của Đảng, bảo vệ Đảng, chế độ, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng, chống đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập. Lực lượng vũ trang luôn học tập, rèn luyện theo tư tưởng và đạo đức của Bác Hồ, phấn đấu xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ".

Thắng lợi lớn nhất của công tác chính trị tư tưởng trong quân đội thời gian qua là đã góp phần bảo vệ Đảng trước sự chống phá của kẻ thù. Trong tình hình mới, công tác chính trị, tổ chức được nâng lên tầm chiến lược mới. Tổ chức Đảng từ Đảng ủy Quân sự Trung ương đến cơ sở luôn nắm chắc tình hình, thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang, khắc phục những biểu hiện xem nhẹ vai trò lãnh đạo của tập thể Đảng ủy, đề cao cá nhân, không coi trọng lãnh đạo toàn diện, không chú ý đến công tác bảo vệ chính trị, làm trong sạch nội bộ Đảng.

Công tác cán bộ luôn là khâu then chốt. Trong tình hình mới, công tác này càng hết sức quan trọng. Do đó phải xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, có năng lực, kiên định, sáng tạo, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xây dựng từ cơ sở, song quan trọng nhất là cán bộ chiến lược; đề phòng nguy cơ chệch hướng trước hết cũng phải chú ý đến cán bộ ở tầm chiến lược. Trong tình hình nhiệm vụ hiện nay, điều cần khẳng định là đổi mới cán bộ nhưng phải bảo đảm đội ngũ kế tiếp có bản chất chính trị vững vàng, có năng lực trí tuệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Quá trình đổi mới là chống trì trệ đồng thời khắc phục nôn nóng.

Một vấn đề rất quan trọng nữa đối với chủ trương chuyển hướng chiến lược của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng là vấn đề chính sách, bao gồm chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, chính sách đối với người tại ngũ cũng như đối với người về hưu, giải ngũ, người có công. Đồng chí Nguyễn Văn Linh coi đây là vấn đề cấp bách cần phải giải quyết cả về tinh thần và vật chất.

Tôi còn nhớ, trong cuộc họp của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương nghiên cứu triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, sau khi nghe tôi thay mặt Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương trình bày dự thảo về chính sách, đồng chí Nguyễn Văn Linh hoàn toàn nhất trí và giao cho Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ cùng Tổng cục Chính trị họp với các bí thư tỉnh ủy, thành ủy để quán triệt tinh thần Nghị quyết và bàn biện pháp thực hiện tốt vấn đề này.

Đồng thời, trong khi quan tâm xây dựng bộ đội làm đúng chức năng sẵn sàng chiến đấu và chống diễn biến hòa bình, đồng chí Nguyễn Văn Linh đặt mạnh vấn đề bộ đội phải tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, làm tốt ba chức năng: đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, cải thiện đời sống cho bộ đội; tạo vốn cho bộ đội làm kinh tế, nhưng không buôn bán vòng vo lấy chênh lệch giá; tổ chức khu gia đình gần doanh trại tạo điều kiện ổn định cuộc sống trong thời bình.

Tất nhiên, yêu cầu về chính sách phải ngày càng tốt hơn, nhưng không thoát ly khả năng thực tế của đất nước, phải được tính toán trong mối quan hệ với các mặt khác.

Với tinh thần cách mạng tiến công, kiên định đường lối đổi mới, trong quá trình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kiên trì lãnh đạo đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng vi phạm nguyên tắc tổ chức và lãnh đạo của Đảng, giữ vững và vận dụng đúng đắn những nguyên tắc cơ bản của Đảng, coi trọng đấu tranh xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong Đảng.

Đã 29 năm kể từ Đại hội lần thứ VI, chúng ta càng thấy các nguyên tắc cơ bản mà Đảng ta đề ra để chỉ đạo công cuộc đổi mới là đúng đắn, sáng tạo. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định tạo nên những thành tựu đổi mới và chính trong quá trình lãnh đạo đổi mới mà Đảng ngày càng trưởng thành, nhận rõ hơn những mặt yếu kém của mình để có biện pháp khắc phục, xây dựng Đảng ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới.

Đề ra đường lối là việc rất khó, nhưng định ra từng bước đi và phương thức cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đó là vấn đề không dễ dàng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh có công đầu trong việc lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, đồng thời lãnh đạo xúc tiến xây dựng Cương lĩnh cho toàn bộ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ tiến lên Chủ nghĩa xã hội trên cơ sở khẳng định chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng chủ đạo của đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng ta để chuyển giao cho Đại hội lần thứ VII. Cương lĩnh đó đã được Đại hội lần thứ VII thông qua và các Đại hội lần thứ VIII, IX, X, XI của Đảng tiếp tục hoàn chỉnh, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên cường, mẫu mực, có cuộc sống giản dị trong sáng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, luôn luôn kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Với tư tưởng "tự mình phải cứu lấy mình", với năng lực toàn diện, đồng chí đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lãnh đạo thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược, kiên quyết đấu tranh bảo vệ và xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ.

Hà Nội, tháng 6 năm 2015

Đại tướng NGUYỄN QUYẾT - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước

----------

Báo Nhân Dân, ngày 29/06/2015

Tin liên quan

Yên Mỹ phát huy sức mạnh nội sinh

Yên Mỹ phát huy sức mạnh nội sinh

Huyện Yên Mỹ nằm ở phía bắc tỉnh Hưng Yên là vùng đất cổ giao lưu của ba vùng văn hóa: Xứ Đông, xứ Bắc và Sơn Nam. Nơi đây sản sinh nhiều danh nhân nổi tiếng của đất nước như Trạng nguyên Đỗ Thế Diên, Tể tướng Phạm Công Trứ, Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Trung tướng Nguyễn Bình - Danh nhân quân sự Việt Nam. Đặc biệt là nhà chính trị Nguyễn Văn Linh. Lịch sử ghi nhận Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.
Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Dưới mái hiên nhà, ông Đặng Đình Được, người đã có tròn hai thập niên trông coi Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh say sưa kể về chuyến thăm quê đầu tiên của người con kiệt xuất sinh ra từ mảnh đất Giai Phạm (Yên Mỹ, Hưng Yên). Ông Được bảo: Qua sáu lần về thăm Hưng Yên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại cho nhân dân những bài học giản dị mà sâu sắc về đạo đức người đảng viên, người làm cách mạng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Kiên định thực tiễn để tiến lên

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Kiên định thực tiễn để tiến lên

Là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ Đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh có công lao to lớn khi cùng tập thể lãnh đạo của Đảng thiết kế và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới, xuất phát từ tổng kết thực tiễn sinh động trên nhiều lĩnh vực. Trong suốt 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn cho thấy hình ảnh của một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, luôn trăn trở tìm tòi trước những diễn biến mới của thực tiễn với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” để tìm phương hướng tiến lên.
Nguyễn Văn Linh - Một nhà lãnh đạo đổi mới kiên định

Nguyễn Văn Linh - Một nhà lãnh đạo đổi mới kiên định

Không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi đồng chí Nguyễn Văn Linh được gắn liền với hai chữ Đổi mới. Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ VI, mà Đại hội lần thứ VI là Đại hội đề ra đường lối đổi mới và mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Đó là một cái lý. Song cái lý lại được chứng minh sâu sắc hơn nhiều, có tính thuyết phục hơn nhiều bởi hoạt động thực tiễn của đồng chí.