Bệnh hình thức đã làm mất nhiều thời giờ, công sức lao động và một khối lượng tiền bạc, vật chất to lớn. Bệnh hình thức như con vi trùng gây bệnh, làm chết đi nhiều tế bào mạnh khỏe và làm yếu thêm cơ thể kinh tế vốn đã bệnh hoạn.

Một công trình xây dựng được tổ chức đặt viên gạch đầu tiên khá chu đáo. Nào văn nghệ, mít tinh, nào băng cờ khẩu hiệu, nào diễn văn khai mạc, nào tiếp khách liên hoan... Sắp tới ngày lễ kỷ niệm nào đó, công trình được vội vã khánh thành. Cũng băng cờ khẩu hiệu, cũng khách mời đại biểu, liên hoan ăn uống, văn nghệ chào mừng, quay phim, chụp ảnh. Sau lễ khánh thành, công trình ấy được đưa vào sử dụng chưa, sử dụng được bao lâu, lại là chuyện khác. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, phường xã, đơn vị người ta có công trình gì, thì phường xã đơn vị mình cũng phải có công trình ấy, không cần biết hiệu quả sử dụng thế nào.

Thấy địa phương người ta tổ chức “lao động xã hội chủ nghĩa, địa phương mình cũng cố nặn ra vài công trình để tổ chức cho đủ ngày công lao động quy định trong năm. Có nơi, mỗi năm một công trình, công trình nào cũng làm “ba mớ” rồi bỏ đó vì chưa đủ điều kiện để đưa vào hoạt động. Thế là các công trình dần dần “thoái hóa” theo thời gian dù chưa một ngày sử dụng, bao nhiêu công sức và tiền bạc đổ sông đổ biển hết.

Công tác thi đua-khen thưởng lắm khi cũng chỉ là hình thức. Thường là cơ quan, xí nghiệp nào cũng có giấy khen, bằng khen cuối năm. Làm ăn nên chuyện được khen thưởng, ai cũng đồng ý. Làm ăn không ra gì, cũng được khen. Thế là “huề” cả làng. Không ai mất lòng ai. Nếu số lượng giấy khen, bằng khen, cờ thi đua, huy chương, huân chương hiện nay phản ánh đúng giá trị thật sự của nó, thì tình hình kinh tế - xã hội đâu đến nỗi thế này? Nhìn số lượng giấy khen, bằng khen, ai nghĩ rằng đất nước ta đang còn lắm khó khăn, nhiều hiện tượng tiêu cực?

Ở các địa phương, mỗi năm có bao nhiêu hội nghị, đại hội? Hiệu quả của từng loại hội nghị như thế nào, thường là người ta không nghĩ tới và không tính được. Nhưng chi phí cho từng hội nghị, đại hội là con số khổng lồ. Nào là hàng loạt thư mời, thư báo tin, hàng loạt văn bản giấy tờ, khẩu hiệu, chương trình, áp phích, biểu tượng; nào là ăn sáng, ăn chiều, ăn tối, nào là quà tặng, quà lưu niệm... Rồi quay phim, chụp ảnh, biểu diễn văn nghệ.

Cũng có địa phương, trước khi tổ chức đại hội, người ta bỏ ra nhiều triệu đồng để xây dựng một chương trình ca nhạc, một phim tài liệu hoặc in sách về thành tích địa phương. Tất nhiên, ở góc độ nào đó, những hình thức này có tác dụng tuyên truyền, cổ động, góp phần vào thành công của hội nghị, đại hội. Nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta sử dụng các hình thức nêu trên ở mức độ nào thì vừa, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và nhất là phải tính đến hiệu quả, đến nội dung thiết thực của nó.

Bệnh hình thức xuất phát từ đâu? Rõ ràng không phải từ phía nhân dân lao động. Người dân lao động vốn rất tiết kiệm và thiết thực, cái gì xét ra không ích lợi thì không làm, không rườm rà tô son, trát phấn. Bệnh hình thức liên quan mật thiết với bệnh thành tích. Cũng chính vì muốn cho mọi người biết đến thành tích của mình mà người ta sử dụng hình thức thật dữ để che lấp nội dung rỗng tuếch bên trong. Thùng rỗng kêu to là như thế.

Bệnh hình thức đã góp phần làm nghèo thêm đất nước. Hồ Chủ tịch đã nhiều lần phê phán bệnh này. Mỗi người, mỗi đơn vị, mỗi tổ chức chúng ta phải bắt cho thật đúng bệnh của mình và tự trị bệnh cho hiệu quả.

PHONG LAN

---------

Báo Nhân Dân, số 12437, ngày 1/8/1988.

Tin liên quan

Yên Mỹ phát huy sức mạnh nội sinh

Yên Mỹ phát huy sức mạnh nội sinh

Huyện Yên Mỹ nằm ở phía bắc tỉnh Hưng Yên là vùng đất cổ giao lưu của ba vùng văn hóa: Xứ Đông, xứ Bắc và Sơn Nam. Nơi đây sản sinh nhiều danh nhân nổi tiếng của đất nước như Trạng nguyên Đỗ Thế Diên, Tể tướng Phạm Công Trứ, Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Trung tướng Nguyễn Bình - Danh nhân quân sự Việt Nam. Đặc biệt là nhà chính trị Nguyễn Văn Linh. Lịch sử ghi nhận Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.
Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Những lần về thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Dưới mái hiên nhà, ông Đặng Đình Được, người đã có tròn hai thập niên trông coi Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh say sưa kể về chuyến thăm quê đầu tiên của người con kiệt xuất sinh ra từ mảnh đất Giai Phạm (Yên Mỹ, Hưng Yên). Ông Được bảo: Qua sáu lần về thăm Hưng Yên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại cho nhân dân những bài học giản dị mà sâu sắc về đạo đức người đảng viên, người làm cách mạng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Kiên định thực tiễn để tiến lên

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Kiên định thực tiễn để tiến lên

Là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ Đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh có công lao to lớn khi cùng tập thể lãnh đạo của Đảng thiết kế và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới, xuất phát từ tổng kết thực tiễn sinh động trên nhiều lĩnh vực. Trong suốt 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn cho thấy hình ảnh của một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, luôn trăn trở tìm tòi trước những diễn biến mới của thực tiễn với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” để tìm phương hướng tiến lên.
Nguyễn Văn Linh - Một nhà lãnh đạo đổi mới kiên định

Nguyễn Văn Linh - Một nhà lãnh đạo đổi mới kiên định

Không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi đồng chí Nguyễn Văn Linh được gắn liền với hai chữ Đổi mới. Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ VI, mà Đại hội lần thứ VI là Đại hội đề ra đường lối đổi mới và mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Đó là một cái lý. Song cái lý lại được chứng minh sâu sắc hơn nhiều, có tính thuyết phục hơn nhiều bởi hoạt động thực tiễn của đồng chí.