Ngay từ những bước đầu tiên của sự nghiệp Đổi mới,
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã sớm thấy những “căn bệnh” tham nhũng, lãng phí,
quan liêu cản trở công cuộc Đổi mới và ẩn chứa nhiều nguy cơ, có thể trở thành “quốc nạn”
nên kịp thời đề xuất "Những việc cần làm ngay".
Những bài báo với bút danh N.V.L trong mục này trên Báo Nhân Dân đã khơi dậy và dẫn dắt phong trào
đấu tranh chống tiêu cực, quan liêu, lãng phí trên cả nước, trong đó báo chí là lực lượng tham gia rất tích cực.
Cuộc đấu tranh này thể hiện quyết tâm của Đảng chấn chỉnh lề lối công tác, đẩy lùi tiêu cực, không cho phép bất cứ
cá nhân nào, tập thể nào “có quyền đứng ngoài vòng pháp luật và kỷ cương của chúng ta”.
Sự nghiệp Đổi mới được Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI (12/1986) để đưa nền kinh tế - xã hội thoát khỏi khủng hoảng. Đất nước đang trong tình trạng khó khăn trầm trọng tưởng như không có đường ra – cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp đã kìm hãm lực lượng sản xuất xã hội trong một thời gian dài, lạm phát ở mức ba chữ số; đời sống nhân dân đặc biệt là công nhân viên chức và người lao động khó khăn thiếu thốn; nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất đều thiếu, phân phối lưu thông ách tắc, rối ren; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; các hiện tượng tiêu cực diễn ra ở nhiều ngành nhiều địa phương, có nơi nghiêm trọng... Tình hình quốc tế đang có nhiều diễn biến bất lợi. Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối Đổi mới, nêu rõ tinh thần “cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” để xác định đúng mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng trong chặng đường trước mắt, “lấy dân làm gốc” để đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm xoay chuyển tình thế, tháo gỡ khó khăn, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng để tiến lên. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu là Tổng Bí thư của Đảng, gánh vác trách nhiệm quan trọng trong bối cảnh khó khăn đó.
Qua gần một năm tiến hành đường lối Đổi mới từ Đại hội Đảng VI, thực tiễn đã cho thấy việc thực hiện các quyết sách Đổi mới bị cản trở bởi rất nhiều những hiện tượng tiêu cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Sự trì trệ trong xã hội vẫn nặng nề có nguyên nhân từ cơ chế quan liêu, bao cấp gây ra. Những cán bộ thoái hoá biến chất, những kẻ đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả... đã triệt để lợi dụng đồng thời làm trầm trọng thêm sự trì trệ đó. Đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực không phải là một công việc mới mẻ. Tuy chúng ta đã làm công tác này từ nhiều năm, trên nhiều lĩnh vực, dưới nhiều hình thức... nhưng những hiện tượng tiêu cực không giảm mà còn tăng, đặc biệt là ở bộ phận cán bộ, đảng viên, những người có chức có quyền, ngày càng làm rối loạn đời sống kinh tế - chính trị - xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Việc thực hiện Đổi mới phải gắn liền với việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, tháo gỡ những ách tắc vướng mắc từ cơ chế phải đi đôi với việc kiên quyết loại trừ những kẻ đã từng lợi dụng cơ chế bảo thủ, quan liêu để kiếm lợi, làm rối loạn kỷ cương phép nước.