Có thể thấy, thời gian qua, hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư hàng loạt nhà máy, dự án lớn thuộc đủ mọi lĩnh vực đã bị “ném qua cửa sổ”, làm suy kiệt nền kinh tế đất nước. Khi điều tra thực tế và tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ tài liệu một số công trình “đắp chiếu”, chúng tôi cũng không kìm nổi nỗi đau nhức nhối, xót xa trước bao mồ hôi, công sức của hàng triệu người dân bị hoang phí một cách tàn nhẫn.

Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá và xử lý toàn diện các dự án này, dũng cảm cắt bỏ những “ung nhọt”, xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức sai phạm để giữ vững niềm tin của nhân dân.

Nối dài
những công nghệ “bãi rác”

Hệ lụy mà các đại dự án, công trình “chết lâm sàng” gây ra cho nền kinh tế là vô cùng nghiêm trọng. Tuy mỗi “xác sống” có một kiểu “chết” khác nhau, song một điểm chung nhất là đều sử dụng công nghệ “bãi rác”, lạc hậu, thiếu đồng bộ, nhưng suất đầu tư được đẩy lên với giá “trên trời”.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, xét trên bình diện chung, ngoài yếu tố thị trường không thuận lợi, việc các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu khiến sản phẩm làm ra không có sức cạnh tranh. Suất đầu tư các dự án bị thổi phồng, cho nên ngay khi đầu tư đã nhen nhóm nguy cơ thua lỗ.

Để xảy ra những thảm cảnh trên, lỗi do quản lý và quản trị doanh nghiệp của người đứng đầu yếu kém, có hiện tượng tham nhũng, thất thoát.

Ngoài hậu quả nặng nề về tài chính không dễ gì khắc phục trong vài ba năm, những công nghệ cũ nát này còn không biết chôn vào đâu, báo động đỏ về nguy cơ ô nhiễm, rất khó xử lý triệt để.

Các thiết bị của Nhà máy bio-ethanol Phú Thọ được lắp đặt dở dang đang bị xuống cấp, hư hỏng.

Các thiết bị của Nhà máy bio-ethanol Phú Thọ được lắp đặt dở dang đang bị xuống cấp, hư hỏng.

Quá trình hội nhập, công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Trong nhiều năm trước, chúng ta đã phải hết sức vất vả mới loại trừ được “bệnh dịch” xi măng lò đứng. Tưởng chừng đó đã là bài học quá đắt giá, thì bây giờ, hàng loạt dự án quy mô đầu tư lớn vẫn đi vào “vết xe đổ”, nhập về những dây chuyền “bãi rác” với mức độ thảm hại hơn.

Trong nhiều năm trước, chúng ta đã phải hết sức vất vả mới loại trừ được “bệnh dịch” xi măng lò đứng. Tưởng chừng đó đã là bài học quá đắt giá, thì bây giờ, hàng loạt dự án quy mô đầu tư lớn vẫn đi vào “vết xe đổ”, nhập về những dây chuyền “bãi rác” với mức độ thảm hại hơn.

Danh sách những dự án sử dụng công nghệ phế thải ngày càng nối dài, từ Gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2), Đạm Ninh Bình, đến Xơ sợi Đình Vũ, các nhà máy bio-ethanol,...

Nhà máy Đạm Ninh Bình tuy được “gắn mác” công nghệ châu Âu, G7 tiên tiến, nhưng toàn bộ dây chuyền, thiết bị là hàng Trung Quốc, nhập từ keo dán, hộp sơn đến dây điện, kết cấu thép,... Công nghệ khí hóa than của nhà máy lạc hậu, chất lượng sản phẩm thấp, cho nên sản phẩm làm ra chất đống trong kho.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã phớt lờ lợi ích của những người nông dân nghèo khổ, kiến nghị Chính phủ có chính sách hạn chế nhập khẩu, ưu đãi sản phẩm urê trong nước, cố tình đi ngược lại xu thế hội nhập và gây thiệt hại kép cho nông dân vì phải mua loại urê chất lượng thấp với giá cao.

Mặc dù được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi “vượt khung”, nhưng Đạm Ninh Bình vẫn lỗ tới hơn 2.600 tỷ đồng. Ngoài khoản vay của Ngân hàng Eximbank Trung Quốc, Đạm Ninh Bình còn vay của nhiều ngân hàng với tổng số vốn vay lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hồi nợ ra sao, tài sản bảo đảm là gì, các khoản vay đã bị chuyển nhóm nợ xấu hay chưa... đang là “dấu hỏi” không dễ giải đáp đối với các ngân hàng.

Quá trình thực hiện dự án với nhà thầu ở các lĩnh vực nhiệt điện, xi măng, gang thép thời gian qua, doanh nghiệp trong nước lãnh đủ những ưu phiền, bị gây khó dễ khi cung cấp thiết bị, bớt xén chủng loại, hạ chuẩn chất lượng, điều chỉnh tăng vốn.

Điều hết sức lạ lùng là nhiều bài học đã diễn ra ngay trước mắt, nhưng các doanh nghiệp vẫn cứ “lao đầu vào chỗ chết”.

Điều hết sức lạ lùng là nhiều bài học đã diễn ra ngay trước mắt, nhưng các doanh nghiệp vẫn cứ “lao đầu vào chỗ chết”.

Một số người đứng đầu doanh nghiệp quen thói làm ăn chụp giật, bị lòng tham làm mờ mắt, vì lợi ích nhóm, tầm nhìn ngắn hạn, đã biết rõ hiểm họa nhưng vẫn bất chấp, liều lĩnh nhúng tay vào bùn không cần biết ngày mai.

Ngay cả ở vai trò cơ quan quản lý chuyên ngành, cũng thấy đây đó lấp ló hiện tượng một số cá nhân coi việc đầu tư là cơ hội để kiếm chác, vun vén lợi ích bản thân, “tiếp tay” cho những hành vi sai trái, chà đạp lên quyền lợi đất nước.

Trách nhiệm
người đứng đầu

Qua nghiên cứu quá trình đầu tư, tổ chức thực hiện một số dự án quy mô lớn bị đổ vỡ vừa qua, chúng tôi nhận thấy, phần lớn các dự án được quyết định đầu tư trong giai đoạn Chính phủ có chủ trương phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương cấp phép đầu tư, không qua cơ quan chuyên ngành trực tiếp thẩm định, phê duyệt.

Thời điểm này nở rộ trào lưu kinh doanh đa ngành nghề, doanh nghiệp kinh doanh xây dựng lao vào đầu tư xi măng, bất động sản, doanh nghiệp giao thông đi làm giấy, doanh nghiệp dầu khí nhảy vào dệt may,...

Trong “cơn say” đầu tư, nhiều dự án đã được phê duyệt chỉ “trong một nốt nhạc”, quá trình thực hiện đầy sai lầm do các đơn vị, cá nhân liên quan phần lớn ở dạng “bốn không”: không biết, không bàn, không làm, không kiểm tra.

Trong “cơn say” đầu tư, nhiều dự án đã được phê duyệt chỉ “trong một nốt nhạc”, quá trình thực hiện đầy sai lầm do các đơn vị, cá nhân liên quan phần lớn ở dạng “bốn không”: không biết, không bàn, không làm, không kiểm tra.

Mặc dù Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) chỉ có năng lực thực hiện các công trình thiết kế và xây lắp dầu khí, chưa có kinh nghiệm đối với dự án nhiên liệu sinh học, vẫn được PVN ưu ái giao làm leader (đứng đầu Liên danh) thực hiện gói thầu EPC bio-ethanol Phú Thọ theo hình thức chỉ định thầu. PVC được đảm trách các phần “ngon ăn nhất” của dự án, gồm thiết kế, mua sắm, lắp đặt thiết bị nhà máy sản xuất chính và toàn bộ thiết bị các hạng mục phụ trợ.

Việc chỉ định thầu này đã vi phạm nghiêm trọng Luật đấu thầu. Không có năng lực, khi thấy “khó nhằn”, PVC đã đơn phương bỏ ngang, vi phạm quy định của hợp đồng EPC, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư. Dự án bị ngưng trệ từ tháng 11/2011 cho đến nay (tháng 10/2016), toàn bộ thiết bị máy móc đã han gỉ, hơn 1.500 tỷ đồng ném vào dự án không có lối thoát.

Sai phạm nghiêm trọng như vậy, song ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC thời đó vẫn không bị ai hỏi đến, trái lại, năm 2013 còn được “hất lên” làm Phó Chánh Văn phòng Bộ Công thương, năm 2015 được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đang dừng hoạt động vì thua lỗ.

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đang dừng hoạt động vì thua lỗ.

Tại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, với vai trò chủ đầu tư, nhưng trước khi phê duyệt dự án, PVTex “không thèm” xem xét các yếu tố về hiệu quả, tính khả thi của dự án; ký phê duyệt tăng tổng mức đầu tư không đúng hơn 38,7 triệu USD,...

Xơ sợi Đình Vũ đã “dệt” nên bức tranh toàn lỗ: Năm 2014 lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, năm 2015 lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, nợ phải trả đến cuối năm 2015 gần 7.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Vũ Đình Duy, người giữ chức Tổng Giám đốc PVTex, sau khi “lùi một bước” xuống Phó Tổng Giám đốc vài tháng, lại “tiến ba bước” một cách “thần tốc bất thường”.

Cuối năm 2014, ông Duy được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hải Phòng, 6 tháng sau, được bổ nhiệm giữ chức Phó Cục trưởng An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp. Gần một năm sau, một ngày trước khi về hưu, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã ký quyết định điều động và bổ nhiệm ông Duy giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Vinachem, từ ngày 8/4/2016 cho đến nay.

Dư luận xã hội đòi hỏi cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những cá nhân bất chấp luật pháp, gây thua lỗ, sai phạm, không thể có chuyện “càng làm sai, càng leo cao”.

Trường hợp cá nhân người đứng đầu để xảy ra sai phạm nhưng vẫn được ưu ái “nhấc” lên các vị trí cao hơn chắc chắn không chỉ có hai trường hợp như ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đình Duy.

Dư luận xã hội đòi hỏi cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những cá nhân bất chấp luật pháp, gây thua lỗ, sai phạm, không thể có chuyện “càng làm sai, càng leo cao”.

Các “đại dự án” lâm vào cảnh đổ vỡ, nếu để dây dưa kéo dài sẽ làm cạn kiệt nguồn lực đất nước, suy giảm thịnh vượng quốc gia. Về mặt xã hội, đầu tư kém hiệu quả làm tăng nguy cơ thất nghiệp đối với lực lượng lao động đã được đào tạo, nông dân mất ruộng, cuộc sống các vùng nông thôn bị xáo trộn. Tình trạng này đã làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của xã hội.

Chính phủ đã ban hành các quy định về quản lý vốn đầu tư công một cách chặt chẽ, đầy đủ, giá như những người đứng đầu doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư biết tuân thủ đúng các quy định pháp luật, coi trọng lợi ích của đất nước, thì làm sao những dự án bết bát, góp phần làm nghèo đất nước kia có cơ hội mọc lên?

Vì thế, trách nhiệm người đứng đầu, hơn lúc nào hết cần được đặt ra một cách nghiêm túc, quyền hạn phải gắn liền trách nhiệm.

Xử lý toàn diện
những “con nợ”

Gần như để xử lý tất cả các con nợ của nền kinh tế bị thua lỗ thời gian qua, phương án đưa ra chỉ duy nhất là xin cơ chế bảo hộ, ưu đãi. Dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu có nên tiếp tục sử dụng ngân sách nhà nước để giải cứu, hỗ trợ các dự án bết bát này?

Trong nền kinh tế thị trường, yếu tố hiệu quả phải đặt lên hàng đầu.
PGS.TS. Ngô Trí Long

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, trong nền kinh tế thị trường, yếu tố hiệu quả phải đặt lên hàng đầu. Quy luật cạnh tranh có đào thải cho nên, quan niệm “đâm lao phải theo lao” là hoàn toàn sai lầm.

Nếu không quyết tâm “khai tử” các dự án trên, hậu quả càng tai hại, làm khê đọng vốn, ảnh hưởng lớn đến trần nợ công và bội chi ngân sách. Cách hữu hiệu nhất là cho phá sản, thu hồi vốn cho Nhà nước. Đồng thời, quy trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm minh.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tổng rà soát các dự án vốn Nhà nước đầu tư, kiểm điểm lại công tác phân cấp, phân tích rõ mặt được và hạn chế để khắc phục. Dự án nào phải chấm dứt thì xử lý dứt điểm, càng dai dẳng càng gây hệ lụy khó lường”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tổng rà soát các dự án vốn Nhà nước đầu tư, kiểm điểm lại công tác phân cấp, phân tích rõ mặt được và hạn chế để khắc phục. Dự án nào phải chấm dứt thì xử lý dứt điểm, càng dai dẳng càng gây hệ lụy khó lường
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Chúng tôi nhận thấy, các dự án bị “đắp chiếu” phần lớn được thẩm định một chiều, vẽ ra bức tranh rất sáng nhưng thiếu khả thi, phi thực tế.

Lâu nay, việc đầu tư dự án theo cơ chế xin-cho, mọi trách nhiệm đều dồn cho tập thể một cách chung chung. Người quyết định đầu tư quyền hạn lớn nhưng trách nhiệm không tương xứng, “vung tay quá trán” đối với đồng vốn nhà nước. Khi sự cố xảy ra, người chịu trách nhiệm đã “lặn không sủi tăm”, sự việc dần chìm xuồng theo kiểu hòa cả làng.

Vì thế, trong tương lai, ngay từ khi xây dựng dự án, cần thẩm định dựa trên các căn cứ khoa học, nhằm đánh giá một cách chặt chẽ, toàn diện. Với người quyết định đầu tư, phải có trách nhiệm đến cùng với dự án, với chế tài đủ mạnh và nghiêm minh để làm gương và tạo tính răn đe.

Thực tế hiện nay, các dự án như Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, bio-ethanol và nhiều dự án khác không có hiệu quả, càng đầu tư càng thua lỗ, là cảnh báo nguy hiểm đối với an toàn nợ công cũng như an ninh tài chính quốc gia.

Nhà nước sẽ không tiếp tục đổ tiền cho những dự án thua lỗ, kém hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nêu quan điểm hết sức đúng đắn: “Nhà nước sẽ không tiếp tục đổ tiền cho những dự án thua lỗ, kém hiệu quả”.

Đất nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, mọi chính sách ưu đãi, bảo hộ đều phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ chặt chẽ luật pháp và phù hợp các cam kết quốc tế.

Chủ đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cơ chế thị trường, cần phải có trách nhiệm và nguồn lực tài chính để bảo đảm hoạt động, không thể cứ lỗ là đồng thanh kêu cứu lên Chính phủ.

Thà đau một lần rồi thôi, dũng cảm cắt bỏ đi những “ung nhọt” để giúp “cơ thể” kinh tế đất nước trở nên khỏe mạnh, phát triển bền vững.

Nhà nước chắc chắn không bao giờ bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng gánh hộ khoản vay nợ khổng lồ một cách vô lý này. Nếu tiếp tục đổ tiền vào, ai dám chắc các dự án này sẽ hiệu quả hay lại tiếp tục nối dài thêm những khối nợ mới, chồng lên đống nợ cũ? Thà đau một lần rồi thôi, dũng cảm cắt bỏ đi những “ung nhọt” để giúp “cơ thể” kinh tế đất nước trở nên khỏe mạnh, phát triển bền vững.

Việc tách chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước ra khỏi chức năng quản lý nhà nước của bộ và thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước với tư cách là nhà đầu tư của Nhà nước có ý nghĩa cấp thiết từng ngày. Nếu có cơ quan này, chắc chắn sẽ giảm được đầu tư Nhà nước kém hiệu quả như thời gian qua, khi xảy ra thua lỗ quy được trách nhiệm cụ thể, rõ ràng của các đối tượng liên quan.

Báo Nhân Dân, số 22303, ngày 24/10/2016.