NÓI THẬT, LÀM THẬT
ĐỂ NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI
SỰ SUY THOÁI TRONG
MỘT BỘ PHẬN KHÔNG NHỎ
CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Những ngày áp Tết Nhâm Thìn vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay” và các bài phát biểu khai mạc, bế mạc Hội nghị của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt, sự kỳ vọng lớn lao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền, thiết lập Nhà nước dân chủ nhân dân, tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, đưa đất nước ta từng bước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Quá trình lãnh đạo cách mạng biết bao thăng trầm, lúc thuận lợi, lúc khó khăn, lúc thành công, có lúc vấp phải những khuyết điểm sai lầm, nhưng Đảng ta đã dũng cảm nhận rõ những sai lầm ấy và được nhân dân tha thứ, bởi vì Đảng ta trước sau như một tuyệt đối trung thành với dân tộc, với giai cấp (như trong cải cách ruộng đất hoặc sau năm 1975...).

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I (29/12/1956-25/1/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trong công tác Cải cách ruộng đất trước Quốc hội và xin lỗi toàn dân. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I (29/12/1956-25/1/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trong công tác Cải cách ruộng đất trước Quốc hội và xin lỗi toàn dân. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI với sự chuyển biến mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, Đảng ta mở ra một bước ngoặt xây dựng đất nước trong hòa bình, với những tiền đề mới để đến Đại hội lần thứ VII đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Và từ đó, qua năm kỳ đại hội, đến Đại hội XI, Cương lĩnh được bổ sung và phát triển.

Trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo chiến lược; hoạch định đường lối, xây dựng củng cố đội ngũ, Đảng đã làm nhiều việc với nhiều quyết định đúng đắn cho nên đất nước ta, dân tộc ta ngày càng phát triển, được nhân dân ta và bạn bè thế giới khâm phục.

Tuy nhiên, đánh giá về sự phát triển và sự trưởng thành của Đảng, đối chiếu với bản chất Đảng, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đang diễn ra trong nước và trên thế giới thì còn những khuyết điểm, thậm chí có những khuyết điểm nghiêm trọng, nổi lên là công tác xây dựng Đảng chưa tương xứng với vị trí, vai trò của một đảng cách mạng tiền phong cầm quyền.

Phải nói ngay rằng, những vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nêu lên là rất đúng, rất trúng, vì tình hình thực tế trong Đảng ta, nếu tính từ năm 1991 đến nay không lúc nào Đảng không đề cập vấn đề xây dựng, củng cố Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng: Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (tháng 1/1994), Đảng ta đã chỉ ra bốn nguy cơ lớn đe dọa tới sự tồn vong của Đảng và chế độ ta, trong đó tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, thiếu ý thức phục vụ nhân dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là nguyên nhân bên trong làm cho bộ máy Đảng và Nhà nước suy yếu, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ bị xói mòn.

Đến văn kiện các Đại hội VIII, IX, X, XI, những vấn đề này tuy có thực hiện, có thu được những kết quả nhưng tình hình chuyển biến rất chậm, một số mặt còn có những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn. Ngay Văn kiện Đại hội XI của Đảng cũng nêu: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, còn nghiêm trọng”[1], làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định và phát triển của đất nước. Trong nội bộ Đảng, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp.

Tình trạng tiêu cực hiện nay trong Đảng đang diễn ra đúng như Nghị quyết đề cập. Chúng ta không thể xem thường, đó là vấn đề cấp bách nhất phải tập trung giải quyết và phải giải quyết cho bằng được. Mục tiêu, phương châm và các giải pháp thực hiện được xác định trong Nghị quyết là đầy đủ. Có nghĩa là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã xem mạch bắt đúng bệnh, kê đúng đơn thuốc. Vấn đề còn lại là có dám uống thuốc đắng để chữa bệnh hay không. Có theo phác đồ điều trị là bệnh nào thuốc nấy, đau ở đâu chữa ở đó hay không? Đau ở não bộ, lại chữa ở chân tay là sai, hậu quả sẽ khôn lường.

Mục tiêu, phương châm và các giải pháp thực hiện được xác định trong Nghị quyết là đầy đủ. Có nghĩa là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã xem mạch bắt đúng bệnh, kê đúng đơn thuốc. Vấn đề còn lại là có dám uống thuốc đắng để chữa bệnh hay không.

Chúng ta cần phải làm rõ: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị là gì? Nghiêm trọng đến mức nào?

Tôi cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đội ngũ cán bộ chủ chốt của các Đảng bộ trực thuộc Trung ương cần tự phê bình và phê bình để làm rõ có hay không có sự mơ hồ, dao động về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta? Có hay không tình trạng nói và viết thì tỏ ra kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vững vàng trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng khi lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối thì làm ngược lại. Từ đó, cần phải soi rọi mọi chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, đã thấm nhuần đến đâu bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn dân ta đang xây dựng?

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, như Nghị quyết Trung ương đề cập dẫn đến sự suy thoái trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống. Phải chăng đó là sự suy thoái từ ý thức hệ, là sự phai nhạt lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Làm gì và làm thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, tiếp tục kiên định con đường phát triển đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà Cương lĩnh năm 1991 đã xác lập và được bổ sung, phát triển năm 2011?

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, như Nghị quyết Trung ương đề cập dẫn đến sự suy thoái trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên với các biểu hiện phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc là tàn dư của chế độ phong kiến. Đảng ta vẫn thường xuyên đấu tranh ngăn chặn, nhưng làm chưa đến nơi đến chốn. Do vậy, căn bệnh cá nhân chủ nghĩa đã trở nên trầm trọng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Do quyền lực chi phối dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy huân chương, chạy tội... Quyền và tiền tài gắn liền với nhau. Tiền tài, danh lợi đã biến cán bộ, đảng viên thoái hóa thành tù binh của nó. Vậy làm gì và làm thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp?

Về mặt tổ chức, Đảng xác định nguyên tắc tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình là nguyên tắc tối thượng của một Đảng kiểu mới, nhờ đó Đảng ta đã vượt qua mọi thử thách, thật sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, mới phòng tránh được bệnh cá nhân chủ nghĩa, quan liêu xa rời quần chúng, mới phát huy được dân chủ, Đảng ngày càng vững mạnh trong sạch.

Bác Hồ đã nói, trong Điều lệ Đảng đã xác định như vậy. Trong mỗi con người đảng viên vẫn có hai mặt - mặt tích cực là chủ yếu, là cơ bản, nhưng có cả mặt tiêu cực, tùy ở động cơ giác ngộ lý tưởng, ở sự rèn luyện trong thực tiễn cuộc sống mà mức độ tích cực hoặc tiêu cực cao hay thấp, ít hay nhiều, chính vì vậy mà Đảng ta lấy tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển.

Nếu như trong từng tổ chức và trong mỗi cá nhân đều nhận thức đúng và nghiêm túc chấp hành các nguyên tắc trên thì sức chiến đấu của Đảng ngày càng cao, những tiêu cực sẽ được khắc phục hiệu quả, chủ nghĩa cá nhân không thể làm mục ruỗng được nhân cách của người cách mạng.

Người đảng viên chân chính là người biết nghe lời nói thẳng, biết nghiêm túc nhìn ra cái sai của mình và quyết tâm khắc phục, gần gũi nhân dân, học tập dân.

Trong quá trình tham gia cách mạng, mỗi tổ chức, mỗi đảng viên đều được Đảng phân công nhiệm vụ công tác nhất định, khi thực hiện có ưu điểm, có khuyết điểm, có đúng, có sai, tất nhiên đúng nhiều hơn, không thế thì làm sao cách mạng phát triển và có được thành quả như ngày nay, ta có quyền tự hào nhưng không được chủ quan, tự mãn. Thấy sai phải nghiêm chỉnh khắc phục. Người đảng viên chân chính là người biết nghe lời nói thẳng, biết nghiêm túc nhìn ra cái sai của mình và quyết tâm khắc phục, gần gũi nhân dân, học tập dân, nếu xa dân, xa thực tiễn, xa phong trào cách mạng thì người đó không phải là người đảng viên chân chính.

Về mặt tổ chức, Đảng xác định nguyên tắc tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình là nguyên tắc tối thượng của một Đảng kiểu mới.

Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình hiện nay, có hiện tượng chỉ nói cái hay và nói đi nói lại, còn cái dở thì cứ giấu và giấu thật kỹ, né tránh, có khi ở dưới báo cáo lên, nhưng rồi để vào "im lặng đáng sợ", "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại". Cho nên đã nói đến vấn đề cấp bách thì phải có biện pháp cấp bách để giải quyết, nói là củng cố, chấn chỉnh thì mọi đảng viên phải tự "củng cố, tự chấn chỉnh" mình trước.

Tự phê bình và phê bình như là người rửa mặt; là đảng viên, kể cả đảng viên thường hay đảng viên cấp cao, trước hết phải nhìn lại mình, cái gì ưu điểm thì phát huy, cái gì khuyết điểm thì sửa chữa. Đồng thời, phải giúp đồng chí mình sửa chữa, có ưu thì mình nói cho đồng chí biết, có khuyết thì giúp cho đồng chí nhận ra.

Đối với tổ chức thì phải tôn trọng, giữ vững và chấp hành nguyên tắc một cách triệt để, từ đảng viên thường cho đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao, mà trước hết phải từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bộ Tham mưu tối cao của Đảng, vì đây là một Đảng duy nhất cầm quyền, Bộ Tham mưu tối cao ở đây là Ban Chấp hành Trung ương, trong đó Bộ Chính trị phải là mẫu mực thực thi những nguyên tắc này.

Bản thân Trung ương cũng như các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải làm rõ vì sao tình hình suy thoái trong Đảng kéo dài và khắc phục mãi chưa được? Trách nhiệm của Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư như thế nào, đã rút ra được những kết luận gì, bài học gì về tình hình Đảng hiện nay và biện pháp khắc phục ra sao?

Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền, cho nên dù chỉ là một vài hiện tượng cá biệt hoặc một bộ phận không nhỏ suy thoái nhưng mà tính chất nghiêm trọng và tác hại của nó ảnh hưởng lớn đến uy tín của toàn Đảng, đến vị trí, vai trò của Đảng cầm quyền, nhất là những đảng viên giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy nhà nước mà hư hỏng thì tác hại sẽ rất lớn.

Một đảng viên ở dưới thôn mà hư hỏng thì chỉ ảnh hưởng đến thôn đó, còn một người đứng đầu tổ chức đảng, đứng đầu một cơ quan nhà nước, thì ảnh hưởng đến cả quốc gia, dân tộc. Nghĩa là tính chất, tác hại sẽ khác nhau. Cho nên trong tự phê bình và phê bình, cấp trên phải làm gương trước, "trên trước dưới sau", "đã tắm thì phải biết gội đầu". Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân chủ trong Đảng.

Bác Hồ đã căn dặn: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng"[2].

Chúng ta chưa làm được bao nhiêu so với những điều Bác đã căn dặn. Ở cấp chiến lược, cần phải trả lời câu hỏi: Các chủ trương, đường lối, chính sách do Đảng ban hành đã thật sự là kết tinh trí tuệ của tập thể chưa? Chúng ta đã thật sự dân chủ trong tự phê bình và phê bình chưa hay chỉ là hình thức, không thực chất do sợ bị trù dập? Làm thế nào để thực hành dân chủ rộng rãi trong hoạch định đường lối, chính sách; dân chủ trong tự phê bình và phê bình; dân chủ trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ một cách công khai, minh bạch? Vậy nên Trung ương Đảng phải có những kế hoạch thật cụ thể để thực hiện nghiêm túc các vấn đề đã nêu trên.

Về xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tôi cho rằng, vấn đề then chốt để thực hiện tốt nhiệm vụ này là ở chỗ phải xây dựng các quy chế, quy định phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu để khuyến khích đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện độc đoán chuyên quyền, thiếu trách nhiệm trước Đảng, trước dân; tình trạng tranh công đổ lỗi cho nhau của không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Phải xây dựng các quy chế, quy định phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu để khuyến khích đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện độc đoán chuyên quyền, thiếu trách nhiệm trước Đảng, trước dân; tình trạng tranh công đổ lỗi cho nhau của không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Khi nói đến việc củng cố, chỉnh đốn Đảng, trong Di chúc, Bác Hồ có nói, sau chiến tranh, việc trước tiên là củng cố lại Đảng. Chúng ta đã làm theo di huấn của Bác Hồ về vấn đề này, nhưng làm chưa đến nơi đến chốn, cho nên những tiêu cực trái với bản chất cách mạng của Đảng vẫn đang hoành hành trong nội bộ Đảng ta.

Khi nói đến củng cố Đảng hoặc chỉnh đốn Đảng thì người đảng viên của Đảng từ cấp cao đến cơ sở trước hết phải tự rà soát mình, củng cố mình, cái tốt thì phát huy, cái xấu thì phải gột rửa cho bằng được.

Về tổ chức thì từ chi bộ, đảng bộ, xã, huyện, tỉnh, thành phố, trung ương, ban cán sự đảng các cấp... tự mình cũng phải chỉnh đốn bản thân mình. Làm như thế là đúng bài bản.

Nhưng tình hình Đảng ta lúc này phải tập trung làm trước hết ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành. Trung ương phải phất cao ngọn cờ tự chỉnh đốn, tự củng cố bản thân mình; trong đó Bộ Chính trị đi tiên phong, đối chiếu với nguyên tắc tổ chức của Đảng, với chức năng, trọng trách của cấp Trung ương, của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư để soi rọi vào công việc mình đã làm, đang làm; mối quan hệ với quần chúng nhân dân, quan hệ trong nội bộ Đảng; xem xét tinh thần tự phê bình và phê bình, tính chiến đấu của mỗi thành viên đã cao chưa hay là có gì nể nang, dĩ hòa vi quý như nhận định trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng.

Sau một thời gian tiến hành tự phê bình và phê bình, củng cố, chấn chỉnh trong nội bộ, Trung ương sẽ rút kinh nghiệm triển khai xuống cấp tỉnh. Làm tốt ở hai cấp này sẽ thông báo kết quả đến toàn Đảng, toàn dân, đồng thời cũng là gắn với việc chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Chúng ta đã nhiều lần xây dựng, củng cố, chỉnh đốn Đảng, những kết quả thu được đã thúc đẩy đất nước phát triển và củng cố niềm tin của nhân dân, nhưng những hạn chế, khuyết điểm trong Đảng chậm được khắc phục cũng ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của dân và lòng tin của chính ngay trong nội bộ Đảng.

Vì vậy, lần này Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy phải tiên phong đi trước trong xây dựng củng cố Đảng, nếu làm tốt, thành công thì niềm tin của toàn Đảng và nhân dân sẽ nâng lên, nếu làm không tốt, làm nửa vời thì tác hại sẽ rất lớn, không thể lường hết được.

Hơn lúc nào hết, toàn Đảng ta, từ Trung ương đến chi bộ, mọi cán bộ, đảng viên nghiêm túc tự phê bình và phê bình với tinh thần "phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn" để giải quyết thật tốt những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra.

Tôi hoan nghênh Báo Nhân Dân mở chuyên mục “Những việc cần làm ngay về xây dựng Đảng” và kêu gọi đồng chí, đồng bào cả nước tích cực tham gia chuyên mục này để hiến kế, hiến công xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, ngày càng vững mạnh.

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.29 (B.T).

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622 (B.T).

Báo Nhân Dân, số 20606, ngày 9/2/2012