Tháng 3/2006, sau 2 năm xây dựng, Nhà máy Bột giấy Phương Nam tại xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa (Long An) đi vào vận hành thử nghiệm và thất bại. Từ đó đến nay, nhà máy giấy này luôn trong cảnh “trùm mền”. Công nghệ không phù hợp, không thể khắc phục khiếm khuyết, đồng nghĩa với việc hơn 3.400 tỷ đồng đầu tư nhà máy đã bị “đốt” thành tro bụi...

“Đội” vốn, lỗi công nghệ

Nhà máy Bột giấy Phương Nam có công suất 100 nghìn tấn bột giấy/năm, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - thời điểm đó là Công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6) làm chủ đầu tư với tổng vốn 1.487 tỷ đồng.

Theo đề nghị của Bộ Tài chính, dự án được Chính phủ bảo lãnh khoản vay 67 triệu euro từ Ngân hàng Societe Generale (Cộng hòa Pháp).

Nhà máy sử dụng công nghệ PR - C - APMP, thiết bị được chế tạo đồng bộ, mới 100%, hình thức triển khai là chìa khóa trao tay.

Phương án khả thi của dự án tính toán thời gian hòa vốn gần 10 năm 8 tháng.

Đây là dự án lớn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, được hy vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực.

Đầu năm 2004, nhà máy được khởi công rình rang, lãnh đạo công ty phát biểu chắc nịch: “Nhà máy sẽ sản xuất ra loại bột giấy tốt nhất Việt Nam, tương đương chất lượng châu Âu”.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, Tracodi là công ty chuyên về xây dựng các công trình giao thông, xuất khẩu lao động, hoàn toàn “ngoại đạo” với lĩnh vực sản xuất giấy.

Tháng 11/2007, Tracodi quyết định điều chỉnh tổng mức vốn đầu tư lên 2.286 tỷ đồng, nhưng dự án vẫn rơi vào cảnh thiếu vốn.

Tháng 6/2009, theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dự án được chuyển đổi chủ đầu tư từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), sau đó tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 3.400 tỷ đồng.

Tại thời điểm chuyển đổi, Tracodi chỉ mới thực hiện được 35% giá trị xây lắp nhà máy sản xuất chính (38,8 tỷ đồng); khu xử lý nước thải đạt 40% (36 tỷ đồng); khu nhà ở công nhân 30% (6 tỷ đồng).

Trong khi đó, tiến độ chi tiền thiết bị cho nhà thầu Andritz được thực hiện nhanh kinh ngạc: Thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng mua sắm thiết bị với số tiền gần 57,1 triệu euro.

Thời điểm đó, Bộ Tài chính được yêu cầu tiếp tục cho chủ đầu tư vay từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài để thanh toán nợ gốc và lãi vay trong 2 năm 2009-2010, tổng cộng 18,9 triệu euro.

Theo chỉ đạo, Vinapaco phải nhận nợ bắt buộc với Bộ Tài chính và trả nợ trong thời gian tối đa 5 năm (thời gian dự kiến từ khi dự án hoàn thành, nhà máy đi vào hoạt động và có nguồn thanh toán). Song, dù đã quá thời hạn này, nhà máy vẫn chưa trả nổi 1 đồng tiền nợ.

Khi nhà máy chạy thử có tải, nguyên liệu đay không phù hợp công nghệ sản xuất, cả hệ thống dây chuyền luôn trong tình trạng trục trặc.

Khâu chế biến nguyên liệu đầu vào cho chu trình sản xuất là công đoạn chặt mảnh bị lỗi, không đạt yêu cầu.

Theo lý giải của Bộ Công thương, Nhà máy Bột giấy Phương Nam đầu tư trang thiết bị mới, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng được nhà thầu “cải tiến” từ dây chuyền sử dụng nguyên liệu gỗ thành dây chuyền sử dụng đay cho phù hợp vùng nguyên liệu ở Long An.

Kiểu dây chuyền “râu ông nọ cắm cằm bà kia” lần đầu được lắp đặt để sản xuất tại Việt Nam, còn trên thế giới chưa có dây chuyền nào tương tự đã đưa lại hậu quả tai hại.

Khi chạy thử có tải, dây chuyền phát sinh sự cố, khiếm khuyết, không thành công.

Nhà thầu “cải tiến” từ dây chuyền sử dụng nguyên liệu gỗ thành dây chuyền sử dụng đay cho phù hợp vùng nguyên liệu ở Long An. Kiểu dây chuyền “râu ông nọ cắm cằm bà kia” lần đầu được lắp đặt để sản xuất tại Việt Nam, còn trên thế giới chưa có dây chuyền nào tương tự đã đưa lại hậu quả tai hại.

Vinapaco 5 lần 7 lượt mời chuyên gia nước ngoài lẫn cầu cứu các đơn vị lĩnh vực cơ khí và công nghiệp giấy Việt Nam tham gia khắc phục sự cố.

Đồng thời, Viện Công nghệ giấy và xen-lu-lô cũng dày công nghiên cứu, điều chỉnh về công nghệ và nguyên liệu (thay cây đay bằng gỗ tràm cừ), tuy nhiên các chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài đều lắc đầu, bó tay trước công nghệ thuộc dạng “độc bảng A” của nhà máy, không có cách nào “chữa trị”.

Bản thân chuyên gia của nhà thầu Andritz cũng không cam kết việc dây chuyền sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, trong khi máy móc thiết bị theo hợp đồng đã ký không có thiết bị dự phòng, thay thế.

Nếu tiếp tục thực hiện dự án, cần phải chuẩn bị: hơn 70 tỷ đồng vốn chạy thử; vốn đầu tư còn thiếu (hơn 636 tỷ đồng trường hợp sử dụng nguyên liệu đay, gần 1.300 tỷ đồng nếu sử dụng gỗ tràm cừ); chưa tính tới gần 630 tỷ đồng vốn lưu động, các khoản vay bù đắp chi phí phát sinh hằng năm (hơn 450 tỷ đồng nếu trích khấu hao).

Với bài toán kinh tế này, nhà máy không có khả năng thu hồi vốn. Bên cạnh đó, nhà máy tiêu hao nguyên liệu lớn và các chỉ tiêu sai lệch quá xa so với khi lập dự án.

Đơn cử, giá mua đay thời điểm nhà máy hoạt động ở mức 850 đồng/kg, thay vì mức 180 đồng/kg như khi lập dự án. Chưa kể giống đay được trồng năng suất thấp, lượng đay mua được trong 2 năm 2012-2013 thậm chí chỉ đủ cho nhà máy chạy trong… 14 ngày.

Giả dụ trong trường hợp thuận lợi nhất (nguyên liệu đủ 12 tháng vận hành và có vốn lưu động), trên mỗi tấn sản phẩm của dây chuyền vẫn “đẻ khoản lỗ” 4,6 triệu đồng.

Toàn bộ hơn 11 nghìn tấn đay nguyên liệu đã thu mua của nông dân được lưu kho biến thành thức ăn cho chuột, bọ, côn trùng và đã bị mục nát, hư hỏng.

Xóa sổ vùng nguyên liệu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, sau khi dự án khởi công, tỉnh đã phát động nông dân trồng đay nguyên liệu với diện tích gần 9.000ha tại 3 huyện “bờ xôi ruộng mật” khu vực Đồng Tháp Mười, gồm Thạnh Hóa, Mộc Hóa và Tân Thạnh, diện tích quy hoạch đến năm 2020 lên hơn 15.000ha.

Vấn đề phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn được xem là khâu phức tạp, khó khăn nhất đối với các dự án nhà máy bột giấy, nhưng đã được chính quyền địa phương vận động người dân đầu tư thành công.

Tuy nhiên, thật tiếc là dự án gặp trục trặc nên chủ đầu tư thu mua nguyên liệu không theo đúng cam kết ban đầu và giá mua của nhà máy không bảo đảm cuộc sống của người trồng đay.

Trong năm 2007 và 2008, Tracodi ký hợp đồng trồng đay nguyên liệu với nông dân 2 huyện Thạnh Hóa và Mộc Hóa khoảng 450ha, chỉ chiếm 5% diện tích đay cả vùng. Đến ngày thu hoạch, công ty thu mua hơn 10.600 tấn đay tươi và hơn 655 tấn đay sợi.

Thu hoạch đay ở huyện Thạnh Hóa, Long An.

Thu hoạch đay ở huyện Thạnh Hóa, Long An.

Địa bàn huyện Thạnh Hóa, do điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, trước đây cây đay phát triển rất nhiều. Năm 2007, diện tích trồng đay của huyện có lúc lên đến hơn 4.900ha.

Đến năm 2013, đầu ra thiếu ổn định, diện tích trồng đay giảm chỉ còn 70ha. Chính quyền huyện đành phải vận động người dân chuyển sang trồng lúa 2 vụ hoặc xen canh cá đồng. Từ khi chuyển sang trồng lúa 2 vụ, kinh tế nhiều hộ gia đình phát triển, xóa nghèo bền vững tại địa phương.

Bây giờ, nhắc chuyện trồng đay xưa kia, bà con nông dân trong vùng ai cũng lắc đầu ngao ngán.

Nông dân Lê Văn Rồi ở xã Thạnh Phước (huyện Thạnh Hóa) từng có hơn 20 năm trồng đay trên diện tích 15ha cho biết: “Khi Nhà máy Bột giấy Phương Nam đầu tư xây dựng, nông dân chúng tôi rất mừng vì có nơi tiêu thụ ổn định, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, nhà máy chưa đi vào hoạt động đã ngưng miết, đến giờ đã hơn 8 năm. Chúng tôi chuyển sang trồng lúa, thu lãi gấp 10 lần trồng đay, mỗi ha lúa đạt 7 đến 8 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí, thu lãi mỗi ha hơn 15 triệu đồng/vụ”.

Ông Nguyễn Thành Được, ngụ cùng xã Thạnh Phước cũng chia sẻ: “Nhà máy bột giấy hoạt động không hiệu quả, nhiều người dân trồng đay rơi vào cảnh lao đao. Trong cái khó ló cái khôn, nhà tôi quyết định chuyển 7ha đất trồng đay sang nuôi cá trê, cá lóc, cuộc sống thay đổi hẳn. Năng suất cá nuôi đạt 3 đến 4 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, bỏ túi 20 đến 25 triệu đồng/ha, khỏe re!”.

Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Kiến Tường Đào Văn Hùng nói: “Thấy Nhà máy Bột giấy Phương Nam khởi công xây dựng, người dân trồng đay rất háo hức. Thế nhưng khi vận hành sản xuất không thành công thì mọi hy vọng cũng tắt ngấm. Để xoay xở cuộc sống, nông dân phải chuyển đổi sang trồng lúa, nuôi thủy sản,… Đúng là trong cái rủi có cái may, nhà máy không sản xuất được nên vùng Đồng Tháp Mười cũng khỏi lo ô nhiễm!”.

Bây giờ, nhắc chuyện trồng đay xưa kia, bà con nông dân trong vùng ai cũng lắc đầu ngao ngán.

Tháng 4/2014, sau nhiều lần rà soát, đánh giá kỹ, Bộ Công thương buộc phải báo cáo Chính phủ, kiến nghị cho phép Vinapaco dừng đầu tư, tiến hành tái cơ cấu toàn bộ dự án do công nghệ thiết bị, nguyên liệu, thị trường, hiệu quả kinh tế... không đạt mục tiêu đề ra.

Ngày 12/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công thương về việc dừng đầu tư Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đồng thời giao Bộ Công thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An xây dựng phương án xử lý dự án (thanh lý, nhượng bán) trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Nhà máy Bột giấy Phương Nam để lại khối nợ hàng nghìn tỷ đồng.

Nhà máy Bột giấy Phương Nam để lại khối nợ hàng nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương yêu cầu Vinapaco xây dựng các phương án xử lý gắn với việc cổ phần hóa Vinapaco.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thiết bị công nghệ nhà máy sử dụng quá lạc hậu, nên dứt khoát phải thanh lý dây chuyền cũng như nhà máy này. Không thể “cố đấm ăn xôi”, bởi càng làm càng lỗ, không khắc phục nổi ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư nào quan tâm, mua lại nhà máy này sẽ rất e ngại vì phải tiếp nhận khối nợ hàng nghìn tỷ đồng để lại.

Theo một số liệu quyết toán đã được kiểm toán, tính đến thời điểm 31/12/2014, dự án đã được giải ngân 3.000 tỷ đồng (vượt gấp 2 lần tổng mức đầu tư ban đầu). Dù nhà máy đã dừng hoạt động 3 năm, nhưng đang “treo” khoản nợ lên tới gần 2.652 tỷ đồng và không tìm đâu ra nguồn trả. Đến nay, Thủ tướng vẫn chưa phê duyệt phương án xử lý tài chính của nhà máy.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Lê Tấn Dũng cho biết, Nhà máy bột giấy Phương Nam tuy xây dựng trên địa bàn tỉnh Long An nhưng do Bộ Công thương quản lý.

Trước tình trạng nhà máy “trùm mền” nhiều năm, tỉnh đã đề nghị Bộ Công thương xem xét, có phương án chuyển đổi công năng dự án.

Nhà đầu tư nào đến Long An tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, UBND tỉnh cũng giới thiệu nhưng chưa doanh nghiệp nào chịu “gật đầu”. Thế nên, ở đất phương nam, Nhà máy Bột giấy Phương Nam vẫn trong tình trạng “trùm mền” dài dài, chờ thanh lý với khối nợ khổng lồ.

Một báo cáo của Bộ Công thương cho biết, theo số liệu quyết toán đã được kiểm toán, tại thời điểm 31/12/2015, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam có tới 2.426 tỷ đồng nợ dài hạn và gần 226 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Cuối tháng 5/2016, khi xem xét cổ phần hóa Vinapaco, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép kéo dài 6 tháng, tính từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm bán cổ phần lần đầu của Vinapaco để có thêm thời gian xử lý tồn tại dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Dự án này được xem là một trong những ví dụ thất bại của trào lưu doanh nghiệp nhà nước đầu tư tràn lan, đầu tư ngoài ngành thiếu chiến lược, để lại hệ lụy vô cùng khó xử cho Chính phủ và các bộ, ngành.

Báo Nhân Dân số ra ngày 20/10/2016